DOANH NGHIỆP

Đối mặt với khó khăn chưa từng có, doanh nghiệp không muốn bị "đơn thương độc mã"

Admin

Đối mặt với những khó khăn chưa từng có, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam mong muốn được sự đồng hành của đội ngũ trọng tài quốc tế, cơ quan quản lý Nhà nước để không bị "đơn thương độc mã" trên "biển lớn" mênh mông nhiều biến động.

Khó khăn chưa từng có
Tại tọa đàm "Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì?" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức chiều 8/5 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC cho biết, dưới những tác động của tình hình kinh tế thế giới cùng với những yếu kém nội tại nên các DN Việt Nam hiện đang ở 1 trong những giai đoạn khó khăn nhất từ khi đổi mới.
Số lượng DN trong nền kinh tế đang giảm mạnh. Số liệu quý I/2023 của Tổng cục thống kê cho thấy lần đầu tiên số lượng DN gia nhập thị trường ít hơn DN rút khỏi thị trường - điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy vậy, các DN rút khỏi thị trường chỉ là phần nổi của tảng băng. Việc các DN đang hoạt động phải thu hẹp quy mô sản xuất; gặp khó khăn về thị trường, tiêu thụ; tồn kho ở mức cao; kém khả năng thanh khoản; khó tiếp cận tín dụng và hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh... mới là những khó khăn lớn nhất của DN Việt Nam.
Cùng với khó khăn về thị trường, DN còn gặp khó khăn về pháp lý khi hệ thống pháp ý chưa hoàn thiện, rủi ro thị trường và rủi ro pháp lý đang khá lớn đối với cộng đồng DN.
Nói rõ hơn về những khó khăn của DN, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, các DN ngành dệt may đối mặt nhiều thách thức. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 11,6 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do áp lực lạm phát của các nước nhập khẩu lớn sản phẩm dệt may của Việt Nam; các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có lượng hàng hóa tồn kho năm 2022 ở mức cao.
Doanh nghiệp dệt may đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh nhiều thách thức, cộng đồng DN dệt may phải chuyển dịch, đa dạng hóa thị trường. Thay vì phụ thuộc vào thị trường truyền thống, phải tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường của các nước khu vực SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập). Đơn hàng tại khu vực này đã bắt đầu tăng nhanh. Thị trường tiếp theo mà các DN dệt may hướng đến là thị trường Mỹ La tinh, châu Phi, Trung Đông.
"Đa dạng hóa thị trường là mục tiêu phải đi, không có con đường nào khác. Tuy nhiên, đã bắt đầu diễn ra bài toán cực kỳ phức tạp, đó là phương thức thanh toán. Điều này đặt ra vấn đề pháp lý trước khi ký kết các hợp đồng thương mại. Trong điều kiện khó khăn, áp lực của DN Việt Nam không còn cơ hội như trước đây là được ngồi đàm phán với những nhãn hàng trên bàn đàm phán bình đẳng. Thay vào đó, DN phải theo luật chơi, cuộc chơi của các nhãn hàng. DN phải áp dụng phương thức thanh toán chậm lên đến 90 ngày. Đây là rủi ro cực lớn", ông Giang nêu.
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang phản ánh, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn chồng chéo, mâu thuẫn, khó áp dụng. Chất lượng văn bản lại yếu, không đi vào cuộc sống. Do đó gây không ít khó khăn cho DN.
Các diễn giả tại tọa đàm.
"Không khi nào DN khó khăn như hiện nay. Trong số 3.000 DN của tỉnh Tuyên Quang, chỉ có 1/3 DN làm ăn hiệu quả, 1/3 DN trong tình trạng hấp hối và 1/3 DN giải thể", ông Thập chia sẻ.
Xuất phát từ những khó khăn của cộng đồng DN, Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang đã luôn thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật cho DN. Theo đó, giải quyết khó khăn của DN xuất phát từ các sở, ban, ngành đến các huyện. Thậm chí hiệp hội còn tư vấn cho cả cơ quan quản lý tư pháp liên quan đến tranh chấp hành chính, giải quyết hợp đồng kinh tế.
"Hiệp hội đã "cãi" tòa án, giúp bảo vệ DN trước rất nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính. Việc hiệp hội "cãi" trước tòa mang về vài tỷ đồng cho DN là chuyện bình thường. Cũng từ nhận thức thấy rằng cộng đồng DN trong tỉnh có quá nhiều vấn đề cần phải hỗ trợ về pháp lý, hiệp hội đã lập Trung tâm Tư vấn pháp luật hỗ trợ DN. Đây là hiệp hội đầu tiên trên cả nước lập trung tâm chuyên tư vấn pháp luật cho DN", ông Thập cho hay.
Cần sự đồng hành của trọng tài quốc tế
Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong khi mọi dự báo đều không đủ cơ sở tin cậy, cách thức tốt nhất là phải nâng cao năng lực của chính mình, nâng cao khả năng chống chịu, nội lực. Và một trong những cách quan trọng là nâng cao năng lực pháp lý, quản trị rủi ro để phòng ngừa tranh chấp có thể xảy ra.
"Trong bối cảnh nhiều biến động, rủi ro sẽ tăng lên, theo đó cần quản trị tốt rủi ro. Cần có "bộ giáp sắt" như khuôn khổ pháp lý, hợp đồng chặt chẽ, các hoạt động kinh doanh phải có tư vấn luật pháp, nâng cao tính pháp lý. Chưa bao giờ vấn đề an toàn trong kinh doanh của các DN có vai trò quan trọng như hiện nay", Chủ tịch VIAC nhấn mạnh.
Trong quản trị rủi ro có vấn đề phòng ngừa và xử lý tranh chấp. Ở các nước phát triển, họ dùng phương thức giải quyết bằng trọng tài và hòa giải. Đây chính là phương thức thân thiện, phù hợp nhất đối với các nhà kinh doanh. Đây cũng là phương thức được lựa chọn nhiều nhất và đầu tiên, chứ không phải là tòa án. Nhưng điều này chưa trở thành văn hóa của Việt Nam.
Cộng đồng DN mong muốn được sự đồng hành của VIAC nhằm hỗ trợ quản trị rủi ro.
Từ thực trạng khó khăn và thách thức của cộng đồng DN dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ mong muốn được VIAC đồng hành cùng DN dệt may, thực hiện tốt vai trò của trọng tài quốc tế trong việc giúp DN phòng ngừa rủi ro trong thanh toán; chia sẻ kịp thời thông tin mà DN cần. Đội ngũ trọng tài quốc tế của Việt Nam sẽ tham gia ngay từ đầu khi DN đặt bút ký hợp đồng với một số khách hàng, ngay cả với các khách hàng truyền thống của DN.
"Tôi mong rằng, trên sân chơi toàn cầu nhiều cơ hội và thách thức, rủi ro hiện nay, các DN cần tỉnh táo, có cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ chính mình. Bên cạnh đó là sự đồng hành của đội ngũ trọng tài quốc tế. Nếu "đơn thương độc mã" trên biển lớn mênh mông thì DN rất khó để tồn tại và phát triển. Cộng đồng DN dệt may rất mong được VIAC đồng hành trong tầm nhìn phát triền bền vững thời gian tới", ông Giang bày tỏ.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC với 19 hiệp hội ngành hàng và hiệp hội địa phương nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ các DN hội viên nâng cao năng lực pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả...