Đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ “nỗi đau” của doanh nghiệp
Tại hội thảo trực tuyến “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ” diễn ra vào sáng ngày 31/10/2021, ông Đỗ Hùng, Chủ tịch Novaedu đã chia sẻ về giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nhân lực đổi mới sáng tạo. Theo đó, một sáng chế, giải pháp đạt giá trị phải là sự kết hợp của 3 yếu tố: Giải pháp sáng chế, sẵn sàng chi trả và quy mô chi trả.
Theo phân tích của ông Đỗ Hùng, nếu 1 sáng chế được sự công nhận của cộng đồng thì giá trị sáng chế sẽ nâng lên rất nhiều. Năm 2020, Novaedu có tổ chức một cuộc bình chọn trực tuyến các giải pháp khởi nghiệp, chỉ trong 2 tuần có hơn 7.000 đăng ký và thu hút hàng triệu lượt truy cập từ nhiều nước, chứng tỏ nhu cầu tìm hiểu, chia sẻ về các giải pháp sáng chế rất lớn.
Đối với một sáng chế hay giải pháp sở hữu trí tuệ phải đến từ nhu cầu thị trường, đối với nhiều phòng nghiên cứu, nhà khoa học đôi khi sự sáng chế, giải pháp xuất phát từ chuyên môn của nhà nghiên cứu là cái mà họ cho rằng quan trọng nhất, nhưng thực tế khi đưa ra thị trường lại không được đón nhận. Do đó sáng chế cần gắn với sự trăn trở hay “nỗi đau” của doanh nghiệp, để đưa ra các giải pháp mới đáp ứng được nhu cầu cần thiết của thị trường. Tất cả giải pháp nhằm đi vào cuộc sống người dân, thương mại hóa được, thực sự có giá trị thì ngay từ khâu nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường, tránh được xu thế xuất phát từ những gì mình có.
Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu, sáng chế dù vĩ đại đến đâu nếu đi sớm quá nhu cầu xã hội cũng không thành công, muộn quá cũng không thành công. Do vậy, sáng chế phải bám sát nhu cầu thị trường mới có giá trị, nếu không đáp ứng nhu cầu đa số của người dân thì cũng khó thành công.
Bắt đầu từ nhu cầu thị trường rồi, sáng chế cũng cần phải tính đến các yếu tố phải làm sao để đảm bảo yếu tố thành công, thu hút được nhà đầu tư, sự sẵn sàng chi trả cho giải pháp của người dùng. Nhiều giải pháp rất hay nhưng không được người dùng đón nhận, nên cũng chia tay sớm thị trường. Do đó phải bắt đầu từ sự sẵn sàng chi trả của người dùng. Quy mô chi trả, nhu cầu của thị trường phải đủ lớn thì mới có thể đạt thành công.
Ông Nguyễn Huy Du cũng chia sẻ về vai trò của truyền thông và sáng chế. “Đừng để sáng chế bị chôn vùi vào quên lãng do ít người biết đến, truyền thông luôn phải đi trước”, ông Du nói. Thông điệp truyền thông đưa ra phải sao cho con người dễ hiểu, dễ tiếp cận, tránh viết các ngôn ngữ quá hàn lâm. Nên sử dụng phương pháp xây dựng câu chuyện truyền thông, gắn với câu chuyện có thật về việc đó, để người đọc, người nghe nhìn thấy giá trị của sáng chế hoặc công trình khoa học đó.
Còn ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho rằng, cần phải tăng cường hoạt động thực thi quản lý nhà nước để tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ của các giải pháp đổi mới sáng tạo. Nếu không bảo vệ được quyền tác giả, quyền sở hữu sáng tạo thì sẽ không khuyến khích được khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển.
Ông Bạch Kim Khương, thành viên Hội sáng chế Việt Nam lại có quan điểm, niềm tin của người tiêu dùng cần gắn với chất lượng, để phát triển bền vững phải có chất lượng tạo nên niềm tim. Ông Khương cũng kiến nghị, mong cơ quan nhà nước phụ trách cấp bằng cho các nhà sáng chế, cần giải quyết thủ tục cấp bằng nhanh để các nhà sáng chế triển khai, khai thác tài sản của mình.
Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ đổi mới sáng tạo, năng lực sản xuất và lao động so với một số nước Châu Á.
Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ đổi mới sáng tạo
Trong một chia sẻ trước đây về độ sẵn sàng công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam, bà Trần Thị Ngọc Hoa, Founder và CEO Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển và chuyển giao công nghệ cao Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ đổi mới sáng tạo, năng lực sản xuất và lao động so với một số nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Vì chúng ta chưa thật sự có được những cơ chế tốt, những bài toán hay, đúng tầm, để kích thích sự sáng tạo và cống hiến của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia. Rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến, ý tưởng mới và sản xuất, bên cạnh đó cũng có nguyên nhân thiếu vốn, bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ cần có một nguồn vốn lớn.
Là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực robotics tại Việt Nam, bà Ngọc Hoa cho rằng, nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp, và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Vì những bất lợi về nguồn vốn hạn hẹp, khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ ưu đãi, thị trường đầu ra chưa rộng, robot chưa xuất hiện nhiều trong đời sống hàng ngày và các hoạt động sản xuất kinh doanh dich vụ, và đa phần chủ yếu các doanh nghiệp robot Việt thường tập trung vào thương mại hóa, phân phối các sản phẩm của các nước bạn. Chúng ta nên chú trọng vào nghiên cứu và sản xuất, thúc đẩy thị trường sử dụng robot, khuyến khích đưa robot vào mọi mặt đời sống xã hội, thu hút nguồn vốn FDI, tiếp cận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tự động hóa và ứng dụng robot, có chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất cho các doanh nghiệp sử dụng robot, để doanh nghiệp có thể tiếp cận quy trình sản xuất kinh doanh hiện đại, tự động hóa tiết kiệm chi phí gia tăng lợi nhuận.
Phát triển công nghiệp robot và tự động hóa lên được xem như là 1 cuộc cách mạng có vai trò như một sự thay đổi trong nền tảng sản xuất, dịch vụ, được đưa vào ngang với chuyển đổi số, là cách để các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng năng suất lao động với chi phí tối ưu trong hoạt động kinh doanh của mình, là 1 bộ phận không thể tách rời của cách mang công nghiệp 4.0, chuyển đổi số quốc gia, bigdata, IoT, đều hướng tới mục đích cuối cùng là công nghiệp hóa hiện đại hóa toàn diện đất nước. Vì vậy cần có những hành lang chính sách pháp lý riêng biệt cho lĩnh vực tự động hóa và robot để đưa vào cuộc sống 1 cách thiết thực và nhanh nhất.