Chiều 23/8, nhiều người dân sinh sống ở TP Kon Tum và các huyện lân cận cho biết cảm nhận rõ sự rung lắc của nhà cửa vào khoảng hơn 14h. Trên các trang mạng xã hội, người dân chia sẻ cảm giác sợ hãi khi thấy đồ đạc trong nhà rung lắc mạnh.
Một người dân sinh sống tại TP Kon Tum, cho biết chị nằm ngủ dưới nền nhà nên cảm nhận rất rõ nền rung lên, cảm giác như có một xe trọng tải vừa chạy ngang qua nhà. Thời gian rung lắc kéo dài khoảng vài giây rồi kết thúc.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần (Việt Vật lý địa cầu), trận động đất mạnh 4,7 độ xảy ra lúc 14h08 chiều 23/8 tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km.
Trung tâm đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Theo thang đo richter, trận động đất mạnh trên 4 độ có thể khiến đồ vật trong nhà rung lắc, nguy cơ gây thiệt hại. Với độ lớn là 4,7, trận động đất ở huyện Kon Plông xảy ra chiều nay có thể khiến đồ vật rung lắc mạnh và gây thiệt hại cho người dân.
Chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cho biết độ lớn của trận động đất ở huyện Kon Plông và khu vực lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp 5, theo thang đo cường độ địa chấn diện rộng (MSK-64). Thang đo này có 12 cấp độ. Do đó, các chuyên gia đánh giá cường độ chấn động tại huyện Kon Plông ở cấp 5 là "chưa đến mức độ nghiêm trọng".
Trước đó chỉ trong 3 tuần kể từ 15/4 đến ngày 6/5, người dân huyện Kon Plông đã phải hứng chịu khoảng 44 trận động đất và dư chấn với độ lớn 2,5-4,5 độ. Với độ lớn 4,5, trận động đất xảy ra trưa 18/4 được nhận định là lớn chưa từng có tại khu vực trong vòng 120 năm qua.
Như vậy, trận động đất 4,7 độ xảy ra chiều nay vượt qua kỷ lục ghi nhận được trước đó.
Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Xuân Anh thông tin bước đầu, động đất ở khu vực huyện Kon Plông được xác định là động đất kích thích gây ra do việc tích nước của hồ chứa.
Tuy nhiên, báo cáo của Viện Vật lý địa cầu nêu rõ để khẳng định nguyên nhân phát sinh, có cơ sở dự báo xu thế hoạt động và cường độ của động đất trong tương lai, cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Theo đơn vị này, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động địa chất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh, thủy điện.
Đồng thời, khu vực này chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích. Vì vậy, chuyên gia kiến nghị cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.