Tính từ 16h ngày 1/11 đến 16h ngày 2/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.637 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 5.613 ca ghi nhận trong nước (tăng 18 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố (có 2.258 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 5.160 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 932.357 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.465 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 927.494 ca, trong đó có 821.989 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 12 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (433.751), Bình Dương (234.520), Đồng Nai (67.294), Long An (35.063), Tiền Giang (17.009).
F0 tiếp tục tăng trở lại tại nhiều tỉnh, thành
Liên quan đến ca F0 mới phát hiện ngoài cộng đồng tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, ngày 2/11, hơn 1.000 học sinh tại 6 xã của huyện này đã chính thức dừng đến trường để tập trung triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Điện Biên cho biết, số học sinh dừng đến trường thuộc các lớp học phổ thông ở 6 xã, gồm Na Tông, Mường Nhà, Núa Ngam, Hẹ Muông, Phu Luông và Mường Lói (huyện Điện Biên). Hiện ngành GD-ĐT huyện đang chỉ đạo các trường học phối hợp cùng lực lượng chức năng khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc COVID-19. Việc lấy mẫu được thực hiện với tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Cùng với đó là tổ chức phun khử khuẩn, truy vết, xác định các F1, F2, F3… để phân loại cách ly.
Liên quan đến 2 ca mắc COVID-19, từ ngày 2/11, hơn 37.000 học sinh mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) phải tạm dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới.
Gần 11.000 trẻ tại 25 trường mầm non sẽ nghỉ học, hơn 16.300 học sinh ở 25 trường tiểu học và gần 9.800 học sinh của 24 trường THCS chuyển sang học trực tuyến. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tứ Kỳ yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp truy vết các trường hợp tiếp xúc gần để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Các trường chủ động hình thức dạy và học, linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Ngày 2/11, Bình Dương ghi nhận thêm 780 ca mắc COVID-19 (tăng 14,4% so với ngày 1/11) và 19 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Trong tổng số 780 ca mắc mới có 97 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, 75 ca tại cơ sở y tế, còn lại trong khu phong tỏa và cách ly. Trong ngày cũng đã xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho 3.366 người, phát hiện 838 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (chiếm tỷ lệ 24,9%). Như vậy, tính từ đợt dịch thứ tư đến nay, Bình Dương có 234.520 ca mắc COVID-19, trong đó, 231.926 bệnh nhân đã khỏi bệnh; 2.453 người tử vong.
Chủ trương cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà nên Bình Dương đã sắp xếp và tinh gọn lại các bệnh viện dã chiến trên toàn địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để “sống chung với dịch” mỗi huyện, thị xã, thành phố ở Bình Dương đều giữ lại một khu điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại tỉnh Đắk Lắk khi liên tiếp ghi nhận nhiều ca bệnh trong ngày, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 199/KH-SYT, ngày 2/11/2021 về việc thiết lập cơ sở thu dung điều trị Covid-19.
Ngày 2/11, tỉnh Cà Mau ghi nhận thêm hơn 200 ca F0 cộng đồng. Theo Quyết định công bố dịch mới nhất của tỉnh, tất cả 101 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đã ở cấp độ dịch từ cấp 2 trở lên. Trong đó, có 5 đơn vị ở cấp độ 4 và 21 đơn vị ở cấp độ 3. Trước đó một ngày, tỉnh Cà Mau mới có 18 đơn vị cấp xã đạt cấp độ 2 trở lên.
Trước tình hình chuyển biến phức tạp, chiều 2/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp khẩn. Trong cuộc họp, cơ quan chức năng địa phương này đánh giá, một trong những nguyên nhân làm F0 tăng nhanh là do các hoạt động đi lại, làm ăn đã được trở lại gần như bình thường, các quy định về kiểm soát, giám sát, xét nghiệm, cách ly ít bị ràng buộc so với trước.
Tại cuộc làm việc sáng 2/11 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định, thành phố kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn khi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện mới chỉ đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt; công tác xét nghiệm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch về…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, là đô thị lớn, nhu cầu giao lưu rất lớn, nhất là sau đợt giãn cách xã hội vừa qua nhưng đến nay, Hà Nội đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch.
Về vaccine, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine theo kế hoạch tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi tại Hà Nội; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm cho trẻ em trước hết ở những vùng bị dịch nặng; thành lập các đội tiêm vaccine chi viện cho các địa phương khác nếu có yêu cầu…/.