ĐỜI SỐNG

F0 tự điều trị mà không báo y tế thì không được cấp chứng nhận

Kỳ Văn

Người tự làm xét nghiệm dương tính bằng test nhanh, tự điều trị và không báo với y tế địa phương thì sẽ không có cơ sở để TP.HCM cấp giấy chứng nhận F0 khỏi bệnh.

Chiều 12/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại thành phố 24 giờ qua.

Sở Y tế TP.HCM nói về việc xét nghiệm đo kháng thể?

Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết số F0 cách ly tại nhà là 60.000 trường hợp, tại cơ sở cách ly là khoảng 27.000 trường hợp. Hệ thống y tế tại thành phố đang đẩy mạnh chăm sóc F0 tại nhà qua các tổ y tế cộng đồng, đảm bảo quản lý tốt, có đầy đủ gói thuốc, kịp thời phát hiện trường hợp nặng.

Phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề xét nghiệm để xác định lượng kháng thể. Trả lời vấn đề này, bác sĩ Châu cho biết việc xét nghiệm lượng kháng thể vô cùng phức tạp. Các xét nghiệm đo kháng thể thương mại hiện chỉ đo toàn bộ kháng thể.

TP.HCM hoàn thành xong đợt xét nghiệm lần 2 cho toàn bộ người dân và đang triển khai xét nghiệm lần 3. Ảnh: Chí Hùng.

Còn kháng thể trung hòa, loại kháng thể ngăn chặn trực tiếp protein gai trên virus thì không phải xét nghiệm nào trên thị trường cũng đo được. Do đó, việc đo kháng thể này chỉ có tính tương đối. Bộ Y tế chưa có phương án định lượng mức độ kháng thể này. Nhiều trường hợp đo nồng độ kháng thể trong máu cao và vẫn mắc bệnh.

"Đo kháng thể rất phức tạp. Đo kháng thể một cách chung chung thì coi chừng tốn kém, lãng phí mà chưa mang lại thông tin cụ thể nào", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cảnh báo.

Tỷ lệ dương tính tại các vùng nguy cơ hiện ra sao?

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết TP.HCM đã triển khai đợt xét nghiệm diện rộng từ 23/8 và dự kiến kết thúc vào 15/9 theo 5 vùng nguy cơ - xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ.

Ông Tâm cho biết tất cả các vùng đã xong đợt xét nghiệm thứ 2, đợt xét nghiệm thứ 3 đã thực hiện được 55%. Tại vùng cam, đỏ, tỷ lệ dương tính đợt 1 là 3,6%; đợt 2 là 2,7%; đợt 1 là 1,3%. Như vậy, qua mỗi đợt, tỷ lệ dương tính có giảm. Tỷ lệ dương tính tại vùng xanh là 0,78%, cận xanh là 1,27% và vùng vàng là 1,41%.

Qua các kết quả này, ông Tâm đánh giá việc phân vùng theo màu của TP.HCM khá chính xác. Vùng nguy cơ thấp thì tỷ lệ dương tính ít, nhưng vùng nguy cơ cao thì tỷ lệ này cao.

Người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ được cấp thẻ xanh

Lý giải nguyên nhân thành phố vẫn áp dụng cách ly các trường hợp F1 trong khi có hàng trăm F0 cách ly tại nhà, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm khẳng định cả F1 và F0 đều có trường hợp cách ly tại nhà và cách ly tập trung.

Tuy nhiên, việc F0 cách ly tại nhà hay tập trung sẽ còn phụ thuộc vào điều kiện cách ly, tình trạng bệnh ra sao. Theo ông Tâm, thành phố đang có 2.475 ca F1 đang cách ly tại khu cách ly tập trung. Số ca chủ yếu là người nhập cảnh, chuyên gia nước ngoài công tác tại các doanh nghiệp, chuyên gia phục vụ tại các tổ chức quan trọng, có ý nghĩa với sự phát triển thành phố; các tổ bay, phi công, tiếp viên,...

Về việc người đã tiêm vaccine ở nước ngoài về Việt Nam sẽ đăng ký thẻ xanh ra sao, ông Tâm cho biết theo theo chính sách mới nhất, thành phố đã có quy định giảm thời gian cách ly cho người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi. Đồng thời, nhóm này sẽ được ngành y tế theo dõi, quản lý chặt trong quá trình cách ly.

Ngược lại nếu chưa tiêm đủ 2 mũi, người nhập cảnh phải cách ly đủ 14 ngày theo quy định. “Từ dữ liệu quản lý người nhập cảnh, ngành y tế đang gấp rút hoàn thành quy trình chuyển dữ liệu để cấp thẻ xanh cho nhóm đối tượng này trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Cứ 170 người đi đường, có một người vi phạm

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin về việc thực hiện quản lý, kiểm tra giấy đi đường theo chỉ đạo của UBND TP.

Thượng tá Hà cho biết thời gian qua Công an TP đã cấp giấy đi đường và ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp trên từng giai đoạn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Đến nay, Công an TP đã lắp 109 điểm trạm kiểm soát với 116 thiết bị camera quét mã QR nhằm kiểm tra người đi đường.

Từ 6/9 đến 11/9, tại 914 chốt, trạm kiểm soát, Công an TP đã kiểm tra 1.380.500 lượt phương tiện. Trong đó, số lượt ôtô là 282.666, xe khách là 5.308, xe tải là 330.174, xe máy là 765.252. Công an cũng kiểm tra 669.331 lượt người, trong đó có 434 người nước ngoài.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập 3.986 biên bản và xử phạt 6, 8 tỷ đồng. Tỷ lệ vi phạm trên số lần kiểm tra là 0,595%, tức khoảng 170 người kiểm tra thì có một người vi phạm. Lỗi chính là ra đường không có lý do chính đáng, chiếm tỷ lệ 99%.

Giải pháp của Công an TP là đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân hiểu, chấp hành quy định giãn cách. Công an TP tăng ứng dụng CNTT, quét mã QR để xử lý kịp thời vi phạm và sẽ lắp đặt thêm thời gian tới. Công an đã cho các quận/huyện/TP trên 50 laptop để tiếp tục lắp đặt. Công an cũng tăng tuần tra, kiểm tra, xử lý trong khu dân cư, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về làm giả giấy tờ.

Thượng tá Hà cho biết ngày 11/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bị can và tạm giam 2 tháng với Võ Thành Phúc (52 tuổi, ngụ quận 7) và Trần Vũ Hàn Minh Nhật (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) về tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác theo điều 339 bộ luật Hình sự năm 2015. Ngày 12/9, VKSND quận Bình Thạnh đã phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can này.

F0 nào không được cấp giấy chứng nhận khỏi Covid-19?

Thông tin về việc cấp chứng nhận khỏi bệnh cho F0 cách ly tại nhà, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mới đây UBND TP.HCM ban hành văn bản về việc giám sát F0 tuân thủ cách ly tại nhà.

Ông cho biết thực tế có trường hợp địa phương không quản lý F0, để F0 đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã hoàn thành cách ly nhưng không nhận được chứng nhận. Do đó, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý phải tổ chức giám sát chặt chẽ, tuân thủ cách ly y tế với các F0 này.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Trong trường hợp người cách ly không tuân thủ cách ly tại nhà, địa phương phải chuyển vào khu cách ly tập trung. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 có trách nhiệm ban hành quyết định cách ly và cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly.

Với người tự làm xét nghiệm dương tính bằng test nhanh, tự điều trị, ông Châu cho biết nếu không báo với y tế địa phương thì sẽ không có cơ sở để địa phương cấp giấy chứng nhận trường hợp đó từng là F0. Do đó, khi có kết quả test nhanh dương tính, người dân phải báo với ngành y tế địa phương để quản lý và cấp thuốc đặc trị.

Vấn đề tiếp theo được ông Châu đề cập là mức độ bảo vệ của người đã tiêm vaccine. Phó giám đốc Sở Y tế phân tích sau khi tiêm một mũi vaccine, cơ thể có kháng thể, ngăn khả năng mắc bệnh và bệnh nặng. Nhưng tiêm 2 mũi thì cơ thể sẽ có nhiều kháng thể hơn. Về mặt khoa học, tất cả vaccine đều có tỷ lệ bảo vệ nhất định và không bao giờ đạt 100%. Tỷ lệ bảo vệ nhiễm bệnh dao động khoảng 70-80%, như vậy vẫn có 20% trường hợp bị nhiễm sau khi tiêm.

Riêng với biến chủng Delta, ông Châu cho biết có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch, tức hệ miễn dịch của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được biến chủng này. Do đó, chủng Delta làm nhiều người tiêm vẫn nhiễm bệnh. Thống kê trên thế giới cho thấy người đã tiêm 2 mũi vaccine thì khi nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, không nhiễm nặng, với tỷ lệ khoảng 90%.

Với 90% trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vaccine thì thường bệnh nhẹ, không cần thở oxy, hồi sức tích cực, nhưng vẫn có 10% bệnh nặng và tử vong. "Không phải trường hợp nào cũng có đủ kháng thể để bảo vệ được cơ thể", ông nói.

Chợ đầu mối tại TP.HCM hoạt động như thế nào?

Liên quan thời gian và lộ trình mở cửa chợ truyền thống, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương khẳng định thành phố chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hay ngưng hoạt động hình thức này nên không có kế hoạch tổ chức, mở cửa lại.

Theo ông Phương, việc các chợ ngưng hoạt động thời gian qua là do điều kiện thực tế phát hiện ca lây nhiễm; quá trình kiểm soát cho thấy chưa đáp ứng được tiêu chí hoạt động.

Để đáp ứng nguồn hàng đa dạng cho người dân, UBND TP có văn bản yêu cầu Sở Công Thương hướng dẫn các quận huyện nhanh chóng tổ chức cho các chợ ngưng hoạt động. Trong đó có các mô hình, sơ đồ hướng dẫn, loại hình chợ không hoạt động như cũ mà sẽ theo tiêu chí an toàn, hoạt động với số lượng tiểu thương hạn chế, phân luồng, giãn cách và bán hàng đồng giá. Người đi mua được phát phiếu, thông tin giá cả, chỉ đến mua và về, hạn chế tiếp xúc, giao dịch. Với hướng dẫn đó, các quận, huyện sẽ xây dựng phương án.

Ông Phương cho biết nguồn hàng cung ứng chính cho các chợ truyền thống là chợ đầu mối. Trước mắt 3 chợ đầu mối đã được tổ chức lại điểm trung chuyển để từng bước mở rộng nguồn hàng. Sở Công Thương làm việc lại từng quận huyện để có điều chỉnh kịp thời khi thành phố đáp ứng các điều kiện kiểm soát dịch để mở lại chợ đầu mối.

Kết nối dữ liệu tiêm chủng Covid-19

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc liên thông, kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiêm chủng Covid-19 với phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công an.

Theo đó, ngày 2/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo kết nối phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công an với phần mềm quản lý An sinh xã hội - Tiêm chủng Covid-19. Ngày 3/9, UBND TP.HCM đã có công văn thực hiện việc này. Tuy nhiên, dữ liệu danh sách người được tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện ở trên Hệ thống tiêm chủng vaccine do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận chủ trương kết nối, đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Viettel cung cấp danh sách người được tiêm Covid-19 (mũi 1, mũi 2) từ Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; hỗ trợ UBND TP.HCM kết nối các nguồn dữ liệu giữa Hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Về tình hình dịch bệnh, ngày 11/9, TP.HCM có 2.925 bệnh nhân xuất viện và 200 ca tử vong, tăng 12 ca so với ngày 10/9.

Từ 18h ngày 10/9 đến 18h ngày 11/9 đã lấy 475.886 mẫu xét nghiệm, trong đó có 7.674 mẫu đơn và 9.334 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 402.819 mẫu.

Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến ngày 11/9 là 7.774.789 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 6.472.672, mũi 2 là 1.302.117. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 882.292.

TP.HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội các mức độ để kiểm soát dịch Covid-19. Ngày 15/9, TP.HCM kết thúc một tháng siết chặt các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 và sẽ phải ra quyết định gia hạn hay nới lỏng các biện pháp này.

Từ ngày 23/8, TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó"; người dân được "đi chợ hộ". Công an TP.HCM cấp giấy đi đường cho 17 nhóm đối tượng được phép ra đường.

Ngày 7/9, TP.HCM ban hành văn bản cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày, chỉ được bán hàng mang đi.

Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động chỉ trong phạm vi quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày.

TP.HCM đang tập trung hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9.