Giá cà phê trong nước, giảm 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua (29/3). (Nguồn: Getty Images) |
Giá cà phê hôm nay 30/3
Trên sàn phái sinh, giá cà phê robusta tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ, trong khi arabica quay đầu tăng. Trước đó, giá cà phê arabica giảm mạnh sau khi Rabobank dự báo sản lượng arabica vụ năm nay của nhà sản xuất hàng đầu thế giới Brazil sẽ tăng 31,8% lên 41,1 triệu bao, nhờ thời tiết thuận lợi từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, trên thị trường robusta, hai nhà sản xuất hàng đầu là Brazil và Indonesia đang tiến hành thu hoạch vụ mùa mới năm nay và dự kiến sẽ có hàng chào bán ra thị trường vào tháng tháng 4. Các nhà quan sát bày tỏ kỳ vọng cấu trúc giá nghịch đảo tại sàn London sẽ sớm được kết thúc.
Tuy nhiên, giới thương nhân quốc tế tỏ ra lo ngại khi nông dân ở nhiều nước sản xuất cà phê sẽ kháng giá mạnh mẽ hơn do vật tư phân bón cho cây cà phê hiện đã quá đắt đỏ. Các thị trường hàng hóa nói chung tiếp tục dịu độ "nóng" trước tin Nga-Ukraina sẽ nối lại đàm phán và hứa hẹn sẽ có những tiến triển tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (28/3), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục được điều chỉnh giảm nhẹ, kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 15 USD (0,7%), giao dịch tại 2.125 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 9 USD (0,42%) giao dịch tại 2.115 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu tăng, kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 1,15 Cent (0,54%), giao dịch tại 215,7 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 1,1 Cent (0,51%), giao dịch tại 215,8 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng trung bình.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước, giảm 100 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên giao dịch hôm qua (29/3).
Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu hơn 452.163 tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD.
Kim ngạch tăng trưởng cao hơn sản lượng nên trị giá xuất khẩu bình quân nhóm hàng cà phê cũng tăng cao lên mức 2.237 USD/tấn, tăng 26,45%, tương đương con số tăng thêm gần 500 USD/tấn.
Hiện, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam hết sức đa dạng trải rộng ở nhiều châu lục. Trong đó, các thị trường lớn có thể kể đến như: Đức, Bỉ, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ…
Với sự khởi đầu ấn tượng này, cà phê đã vượt qua nhóm hàng rau quả để đứng thứ 3 về quy mô kim ngạch trong lĩnh vực nông nghiệp (sau nhóm hàng gỗ; thủy sản). Đây cũng là 3 nhóm hàng cán mốc “tỷ USD” của lĩnh vực nông nghiệp tính từ đầu năm đến nay.
Hiện, giá cho một tấn cà phê chế biến trung bình đạt gần 3.600 USD trong khi giá cà phê nhân trên sàn khoảng 2.400 USD. Hiện nay cà phê Việt Nam đang rẻ nhất thế giới do cơ chế trừ lùi. Cụ thể, giá của Việt Nam phải trừ lùi tới 450 - 500 USD/tấn.
Do vậy, để đạt con số xuất khẩu 6 tỷ USD như mục tiêu, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng tỷ lệ cà phê chế biến từ dưới 10% như hiện nay lên khoảng 25% hoặc thậm chí phải hơn vậy.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, để nâng tỷ trọng cà phê chế biến là một thách thức lớn với doanh nghiệp do trình độ công nghệ, vận hành nhà máy phức tạp và nhận thức của nông dân. Mặt khác, muốn phát triển ngành hàng cà phê thì cần đi theo hướng chế biến để đạt giá trị cao.