ĐỜI SỐNG

Gia Lai: Vay tiền trồng tiêu, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phải gán cả nhà tình thương để trả nợ

Kỳ Văn

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đối diện với nguy cơ mất đất đai, tài sản vì vay tiền để trồng tiêu với lãi suất cao.

Gán tài sản để trả nợ

Năm 2013, anh Rmah Lan (trú tại thôn Kênh Hmek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) có vay bà L.T.T. (trú tại thôn Phú An, xã Ia Le) khoảng 50 triệu đồng để đầu tư trồng tiêu, với lãi suất là 1,5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2013-2017, gia đình ông dành dụm làm ăn, trả lãi khoảng từ 10-20 triệu đồng nhưng không đủ, cộng với việc hồ tiêu chết sạch do dịch bệnh vào năm 2017 nên càng khó khăn.

Năm 2020, bà T. thông báo số tiền cả gốc lẫn lãi của gia đình ông là 150 triệu đồng. Vì không có khả năng chi trả thêm nữa nên ông đã giao cho bà T. 2 sổ đỏ gồm 7 sào đất rẫy, 1.500m2 đất ở và đất nông nghiệp liền kề. Đến đầu tháng 6 năm 2022 bà T. dẫn ông Lan đến Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chư Pưh để ký chuyển nhượng 2 lô đất trên.

Nhiều hộ dân tại thôn Kênh Hmek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh đối diện với nguy cơ mất đất đai, tài sản vì không có điều kiện để trả số nợ quá lớn. Ảnh: H.L

Tương tự, chị Siu H'Siêu (trú tại thôn Kênh Hmek, xã Ia Le) cũng vay bà T. 20 triệu đồng vào năm 2016 để đầu tư trồng tiêu. Do không có khả năng trả nợ, "lãi mẹ đẻ lãi con", từ năm 2018- 2019, bà đã gán 2 con bò để trả nợ.

"Đến năm 2021, bà T. nói tôi còn nợ bả cả gốc lẫn lãi là 100 triệu đồng. Gia đình tôi rất khó khăn, chủ yếu canh tác lúa 1 vụ và hiện phải nuôi 4 đứa con trong độ tuổi ăn học nên không biết xoay sở đâu ra tiền để trả nợ", chị H'Siêu trình bày.

Nhà 167 đem đi chuyển nhượng

Cũng dính vào việc vay nặng lãi, bà Siu Biêp vay 15 triệu đồng của bà T. cách đây 6 năm và cũng không có khả năng trả nợ. Sau đó, bà phải gán cả căn nhà tình thương (nhà xây theo diện quyết định 167 của Chính phủ) cho chủ nợ

"Lúc vay, 2 vợ chồng nhận tiền chứ không biết bà T. tính lãi suất bao nhiêu. Năm 2021, tôi phải lấy căn nhà do Nhà nước xây cho để gán cho bà T. Sau đó, bà này bắt 2 vợ chồng tôi phải đi ra khỏi nhà để bán lại cho người khác", bà Biêp chia sẻ.

Mẫu giấy ghi nợ mà bà T. liệt kê cho các hộ đã vay. Ảnh: H.L

Chị D.T.L., chủ mới của căn nhà cho biết, chị mua lại căn nhà này của bà T. ở xã Ia Le với giá 90 triệu đồng và đã dọn vào để ở từ đầu tháng 3. Sau đó, một cán bộ xã Ia Le thông báo, căn nhà này được Nhà nước xây dựng cho đối tượng là hộ người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nên không được mua bán. Khi đó gia đình chị L. mới biết, mình mua phải nhà bà Siu Biêp.

"Lúc mua bán, hai bên chỉ có viết tay thôi chứ không có thông qua chính quyền. Hiện tôi mới chỉ trả bà T. khoảng 60 triệu đồng, còn 30 triệu đồng tôi chưa trả nốt bởi mới biết dính rắc rối sau này. Bây giờ tôi cũng không biết xử lý sao nữa", chị L. nói.

Theo chia sẻ của các hộ dân, khi họ vay tiền của bà T. được tính lãi rất cao. Vào cuối năm đều phải trả lãi, nếu không trả đủ thì sẽ bị cộng dồn vào tiền gốc dẫn đến "lãi mẹ đẻ lãi con".

Một số hộ không có khả năng trả nợ buộc phán gán nợ bằng tài sản như đất đai, con bò, bao tiêu, bao lúa,....Giấy nợ mà người dân giữ chỉ là một mẫu giấy nhỏ ghi số báo danh, tiền nợ và tên chủ nợ Mị Trang.

Ông Ksor Sương, Trưởng thôn Kênh Hmek cho biết, trong thôn có rất nhiều người vay tiền của bà T. để trồng tiêu. Tuy nhiên, sau này lãi suất cao cộng với tiệc tiêu chết nên bà con không có tiền để trả nợ. Do vậy, họ buộc phải thế chấp đất đai, vật nuôi, cây trồng. Về việc này, ông cũng đã trình báo lên UBND xã Ia Le.

Người cho vay nói gì?

Liên quan đến nội dung trên, bà L.T.T. cho hay: "Tôi có cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Kênh Hmek để trồng tiêu nhưng không cho vay nhiều. Đến khi tiêu chết, một số hộ không có tiền trả nợ nên họ nói tôi lấy đất của họ đi chứ không hề có chuyện tôi siết đất đai".

Ông Rmah Lan chỉ cho PV Dân Việt lô đất mà ông gán chuyển nhượng cho bà T. để trả nợ. Ảnh: H.L

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le (huyện Chư Pưh) cho biết, đơn vị đã nhận được đơn trình báo của các hộ dân. Hiện Công an xã đang phối hợp với công an huyện điều tra, xác minh vụ việc.

"Phần lớn các hộ người đồng bào khi vay mượn tiền của bà T. đều không có hóa đơn, chứng từ nên việc điều tra của cơ quan công an gặp khó khăn. Tôi sẽ chỉ đạo cho Phòng Tư pháp kiểm tra lại kĩ hồ sơ chuyển nhượng đất đai để xem giữa bà T. và các hộ trong thôn Kênh Hmek có giao dịch gì không rồi sẽ thông tin cho báo chí sau", ông Việt thông tin.

Trong khi đó, ông Siu Y Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho hay, theo như đơn của các hộ dân gửi đến cơ qua chức năng, thì đây là trường hợp cho nhiều người vay, khi không có tiền trả người dân thế chấp bìa đỏ, trả bằng nhà và đất. Đây là một vấn đề phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Thời gian qua, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con về hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê "tín dụng đen". Từ trước đến nay, tôi cũng chưa nhận được phản ánh nào của người dân về vụ việc này. Tôi đã chỉ đạo cho lực lượng công an điều tra, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định", ông Bé cho biết.

Một lãnh đạo Công an huyện Chư Pưh cho biết, đã nắm được thông tin về vụ việc và đã chỉ đạo Công an xã Ia Le mời một hộ dân lên làm việc để làm rõ việc vay mượn tiền của bà T.