KINH TẾ

Giá tiêu hôm nay 28/8: Giảm nhẹ, thấp nhất 73.500đ/kg; nguy cơ hàng Việt mất thị trường xuất khẩu trọng điểm

Kỳ Văn

Tính đến 0h15 ngày 28/8, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.333,35 Rupee/tạ (cao nhất), 41.300 Rupee/tạ (thấp nhất), tiếp tục giữ đà đi ngang so với phiên hôm trước.

Giá tiêu hôm nay 28/8: Giảm nhẹ, thấp nhất 73.500đ/kg. (Nguồn: Borneo Talk)

Cập nhật giá tiêu thế giới

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 28/8, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.333,35 Rupee/tạ (cao nhất), 41.300 Rupee/tạ (thấp nhất), tiếp tục giữ đà đi ngang so với phiên hôm trước.

Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 26/8-1/9/2021 là 312,08 VND/IRN.

Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ, giao dịch ở mức từ 73.500 - 78.500 đ/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 73.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (74.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (76.500 đ/kg); Bình Phước (77.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.500 đ/kg.

Theo Vietnambiz, mặc dù hiện tại thị trường đang có những tín hiệu tác động tích cực lên cả giá tiêu trong nước và xuất khẩu nhưng lực cản lớn vẫn đến từ chi phí logistics tăng quá cao và bất ổn.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tuyến vận chuyển đường biển đến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), 2 trong số 3 thị trường tiêu thụ tiêu lớn nhất Việt Nam, có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần.

Trên thực tế, thị trường Mỹ luôn luôn mua hàng với điều kiện CNF (giá đã bao gồm tiền hàng và cước phí), như vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu rủi ro khi cước tàu thay đổi.

Thời hạn ký hợp đồng giao hàng luôn dao động từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì ngược lại.

Tuy nhiên, cước vận chuyển đi Mỹ và EU tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến.

So với thời điểm đầu năm 2020, cước vận chuyển đi EU tăng 12-13 lần lên 11.000 USD cho 1 container 40 feet. Cước vận chuyển đi Mỹ cũng tăng 5 - 6 lần lên 13.500 USD.

VPA cho biết Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

"Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở thị trường Mỹ. VPA khẳng định nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh là rất lớn", VPA nhận định.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cảnh báo diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng tiêu Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đã có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn cung hạt tiêu sang các nhà cung cấp Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Campuchia.

Về tình hình sản xuất trong nước, từ tháng 6/2021, phấn khởi từ giá tiêu tăng mạnh người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu.

Tuy vậy, thời tiết cực đoan cộng với nhiều diện tích không được chăm sóc từ các năm trước, nên dự đoán sản lượng tiêu vụ mới sẽ không cải thiện được quá nhiều.