Giá vàng thế giới đang thấp hơn 8,11 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC. (Nguồn: metrosport) |
Tuần biến động mạnh
Thị trường vàng thế giới vừa trải qua một tuần giao dịch sôi nổi, nhiều biến động. Thị trường đã dần phục hồi sau đợt mất mát lớn của tuần trước.
Ghi nhận của TG&VN, tại phiên đóng cửa thị trường tuần này, trên sàn Kitco, giá vàng chốt phiên giao dịch cuối cùng tại 1.780,7 USD/ounce, tăng mạnh 25,7 USD, tương đương tăng 1,5% chỉ trong một ngày. Đây cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của kim loại quý trong tuần này.
So với cuối tuần trước, giá vàng thế giới hiện giao dịch cao hơn 16,6 USD. Nếu tính từ mức giá thấp nhất kim quý giao dịch đầu tuần này là 1.688 USD/ounce, giá vàng đã tăng một mạch gần 92 USD, lên mức giá hiện tại, tương đương mức biến động 5,4%.
Trong nước, chốt phiên giao dịch tuần này, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại 56,55 - 57,25 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch hôm trước. Chênh lệch giá bán vàng đang cao hơn giá mua 700.000 đồng/lượng.
Các thương hiệu khác trong hệ thống không có nhiều thay đổi. Tập đoàn Doji và Bảo tín Minh Châu, nhiều địa điểm kinh doanh vẫn nằm trong vùng giãn cách xã hội tại các khu vực có nguy cơ cao về lây nhiễm, giá vàng trên bảng điện tử vẫn không có sự thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Cụ thể:
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 56,40 - 57,40 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 56,40 - 57,10 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 56,15 - 57,70 triệu đồng/lượng.
Riêng bảng giao dịch điện tử của Bảo tín Minh Châu vẫn đứng giá trong nhiều ngày nay. Thương hiệu Bảo tín Minh Châu giá vàng SJC vẫn niêm yết tại: 56,90 - 57,52. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long ít biến động, giao dịch tại 51,51 - 52,21 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,75 - 51,85 triệu đồng/lượng.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank: 1 USD = 22.930 VND, giá vàng thế giới tương đương 49,14 triệu đồng/lượng, thấp hơn 8,11 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở thời điểm hiện tại.
Dù đã giảm hơn 1 triệu đồng so với mức chênh kỷ lục vào đầu tuần này nhưng mức chênh lệch trên vẫn là rất cao giữa giá vàng trong nước và thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc người mua vàng trong nước đang phải trả giá đắt hơn thế giới gần 17% để mua cùng một lượng vàng.
Thời điểm tuyệt vời cho người mua
Mùa Hè này, thị trường vàng đang khiến các nhà đầu tư "đứng ngồi không yên" khi giá kim loại quý đã tăng vọt sau một thời gian ngắn giảm xuống dưới mức 1.700 USD/ounce.
Vàng đã tăng hơn 25 USD khi Chỉ số tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan khảo sát gây thất vọng. Chỉ số này đã giảm xuống 70,2, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011. Điều này dẫn đến việc đồng USD bị bán tháo và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và mang đến tín hiệu tích cực trên thị trường kim loại quý.
Người đứng đầu chiến lược toàn cầu Bart Melek của TD Securities cho biết: “Chúng tôi nhận thấy chỉ số USD đã giảm xuống còn 92,5 điểm và sự sụt giảm đáng kể trong lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm và 30 năm. Thị trường hiện đang lo lắng về nền kinh tế Mỹ và biến thể Delta đang lan rộng.
Bây giờ là hợp lý để giả định rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tập trung vào các con số kinh tế vĩ mô. Thông báo thay đổi chính sách tiền tệ dự kiến có thể không mạnh như nhiều người mong đợi".
Chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins Everett Millman cũng cho hay, dữ liệu lạm phát cũng là tín hiệu tích cực đối với vàng. Lạm phát Mỹ có thểh đã lên đến đỉnh điểm . Điều này có nghĩa là Fed không còn quá vội vàng để thay đổi chính sách tiền tệ.
Chuyên gia Millman cũng chỉ ra, giá vàng dưới 1.800 USD/ounce là một điểm tuyệt vời cho người mua, khiến kim loại quý trở nên khá hấp dẫn trên cơ sở kỹ thuật.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Đây là mức giá rất hấp dẫn. Điều đáng khích lệ là vàng đang phục hồi nhanh chóng. Chỉ trong vòng vài giờ, vàng đã quay trở lại trên 1.700 USD. Tôi sẽ không bị sốc nếu kim loại quý vượt qua mức 1.800 USD vào tuần tới. Bây giờ tôi lạc quan về kim loại quý.
Bên cạnh đó, dấu hiệu tích cực khác đối với vàng là nhu cầu vật chất đang tăng lên ở châu Á. Có một số dấu hiệu khá lạc quan về phía nhu cầu. Chúng tôi nhận thấy doanh số bán đồ trang sức bằng vàng và đồng xu vàng đang đi đúng hướng ở Ấn Độ. Điều đó sẽ thúc đẩy nhu cầu săn hàng nhiều hơn".
Ngoài ra, theo các chuyên gia, diễn biến quan trọng cần theo dõi là nỗi lo về trần nợ. Tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang kêu gọi các nhà lập pháp nâng cao trần nợ theo con đường đồng thuận lưỡng đảng như một biện pháp xoa dịu đảng Cộng hòa trước nguy cơ chính phủ của ông Joe Biden sẽ cạn kiệt tiền vào tháng 9/2021.
Trước đây, khi thị trường trở nên lo lắng về vấn đề này, giá vàng trong trạng thái tích cực.
Chuyên gia Millman cho biết: "Những lo ngại về trần nợ là nguyên nhân tiềm ẩn đối với vàng. Kể từ năm 1971, giá vàng đã tăng song song với nợ quốc gia.
Các vấn đề về trần nợ luôn được giải quyết, nhưng nếu thị trường bắt đầu lo lắng và nợ ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng, thì câu chuyện của vàng sẽ tự nhiên được cải thiện. Vàng là một hàng rào chống lại việc chính phủ quá lỏng lẻo với các chính sách tài khóa".
Diễn biến quan trọng cần lưu ý tuần tới
Tuần tới, một trong những công bố kinh tế vĩ mô quan trọng hơn cần theo dõi là doanh số bán lẻ được công bố ngày 17/8, với dự báo thị trường sẽ giảm 0,3% trong tháng 7/2021.
Ông Melek dự báo, nếu con số cho thấy mức giảm lớn hơn nữa, vàng có cơ hội chứng kiến một đợt phục hồi khác.
Một điều khác cần theo dõi là cuộc họp của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell ngày 17/8 và biên bản cuộc họp tháng 7 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ được công bố ngfay 18/8.
Chuyên gia Millman nói: "Mặc dù hầu hết các thành viên của Fed đã trở nên 'diều hâu' hơn, nhưng Chủ tịch Powell vẫn nhấn mạnh sự kiên nhẫn. Vẫn có những mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả biến thể Delta ảnh hưởng đến ngành vận tải biển và nguồn cung hàng hóa".