KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 17/3, Giá vàng mắc kẹt giữa đồn đoán, SJC sẽ trượt dài hay ‘quay xe’ ngoạn mục? Lý do Nga bất ngờ dừng gom vàng

Kỳ Văn

Giá vàng hôm nay 17/3 tiếp đà giảm khi các nhà đầu tư xả hơi chờ đợi đợt tăng lãi suất đầu tiên trong thời đại dịch của Fed. Sau đó, sự chú ý của thị trường có thể nhanh chóng quay trở lại cuộc xung đột Nga-Ukraine. Vàng có cơ hội đảo ngược?

Giá vàng hôm nay 17/3, Giá vàng mắc kẹt giữa đồn đoán. Lý do Nga bất ngờ dừng gom vàng. (Nguồn: Reuters)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 17/3

Mở cửa ngày giao dịch 16/3, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 67,4 - 68,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước, ở mức 67 - 68,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường châu Á, giá vàng đi xuống trong phiên giao dịch chiều ngày 16/3. Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 1.916,44 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1/3 là 1.906 USD/ounce vào phiên trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn cũng hạ 0,6%, xuống 1.918 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h28’ ngày 16/3, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.909,1 - 1.910,1 USD/ounce, giảm 9 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 16/3:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,0 – 68,2 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,5 – 67,8 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,8 – 68,0 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,0 – 68,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,83 – 67,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,87 – 55,87 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,25 – 55,75 triệu đồng/lượng.

Vàng tiếp tục giảm, có thể đảo ngược xu thế?

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm vào ngày 16/3 với đồng USD yếu hơn bù đắp áp lực từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi đợt tăng lãi suất đầu tiên trong thời đại dịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vàng giao ngay ổn định ở mức 1.916,71 USD/ounce vào lúc 12h26 GMT sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1/3 ở mức 1.906 USD vào hôm 15/3. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 giao dịch lần cuối ở mức 1.919,80 USD/ounce, giảm 0,51% trong ngày.

Han Tan, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Exinity cho biết: “Những con gấu vàng đang được xả hơi khi họ chờ đợi quyết định chính sách rất được mong đợi của Fed”.

Chuyên gia này nói: “Một khi thị trường vàng đã hiểu hết các tín hiệu chính sách của Fed, sự chú ý có thể nhanh chóng quay trở lại cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ngày càng kéo dài và thêm căng thẳng”.

Theo ông, bất kỳ sự leo thang nào của cuộc khủng hoảng Ukraine cũng sẽ dẫn đến việc giá vàng tăng thêm.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi vào ngày 15/3, trước đồn đoán về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm.

Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ. Điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.

Lãi suất cao hơn thường khiến cho vàng chịu áp lực vì chúng vốn là tài sản không sinh lời. Xu hướng hiện tại thì lợi suất vẫn sẽ tăng cao và vàng khó có cơ hội đảo ngược.

Tuy nhiên, vàng đã giảm hơn 7% so với mức cao nhất vào tuần trước, vì vậy, các nhà đầu cơ có thể coi đợt giảm giá mạnh là cơ hội để thiết lập vị thế đối với vàng.

Nhà phân tích Peter Fertig của Quantitative Commodity Research cho biết, vàng đang được giữ vững bất chấp tâm lý rủi ro lớn hơn.

Ông Fertig nói thêm: “Nếu nhà đầu tư thất vọng khi Fed đưa ra ít đợt tăng lãi suất hơn dự đoán, thì điều này có thể hỗ trợ cho vàng và ngược lại”.

Bernard Dahdah, một nhà phân tích tại Natixis cho biết, thay đổi cơ bản có thể diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine kết thúc là các ngân hàng trung ương của các quốc gia không liên kết với phương Tây sẽ mua lượng vàng nhiều hơn khi họ tìm cách đa dạng hóa tài sản để tránh tích trữ đồng Euro và USD.

Thêm vào đó, dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, do người tiêu dùng Mỹ chi tiêu ít hơn dự kiến ​​vào tháng trước, tiếp tục có tác động đến thị trường vàng khi giá kim loại quý chịu áp lực bán ra.

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này chỉ tăng 0,3% trong tháng trước, giảm so với mức tăng 4,9% trong tháng 1, trong khi các nhà kinh tế dự báo mức tăng 0,4%.

Trong khi đó, doanh số bán lẻ cốt lõi, trừ doanh số bán ô tô, tăng 0,2% trong tháng trước, giảm so với mức 3,3% của tháng 1. Các nhà kinh tế đã kỳ vọng mức tăng 0,9%.

Nhóm kiểm soát, không bao gồm ô tô, khí đốt, vật liệu xây dựng, dịch vụ thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trực tiếp vào tính toán GDP, giảm 1,2%. Các nhà kinh tế đã kỳ vọng mức tăng 0,4%.

Trong bối cảnh đó, thị trường vàng đang vật lộn để thu hút động lực tăng mới vì giá đã giảm mạnh từ mốc trên 2.000 USD/ounce, là mức cao nhất trong ngày mọi thời đại, đạt được vào tuần trước.

Trong một thông báo mới nhất, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết đã tạm dừng hoạt động mua vàng vật chất từ các định chế trong nước kể từ ngày 15/3 và không công bố thời gian kết thúc hiệu lực của văn bản. Theo CBR, hành động này nhằm đáp ứng nhu cầu mua vàng của người dân tăng lên, sau khi nước này tuyên bố gỡ bỏ thuế VAT (gần 20%) đối với người mua vàng.

Các chuyên gia cho rằng, quyết định trên của CBR là khá hợp lý vì tỷ lệ vàng trong dự trữ quốc gia đã tăng từ 21% lên 40%.

Trước đó, Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset, cho hay: "Thị trường đang bắt đầu phản ánh một chút về viễn cảnh hậu xung đột Nga-Ukraine. Vàng sẽ tiếp tục trượt dài nếu các cuộc đàm phán hòa bình tiếp tục tiến triển”.