KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 23/4: Xuống dốc từ đỉnh cao, lý do chuyên gia vẫn kỳ vọng mốc 1.800 USD/ounce

Kỳ Văn

Giá vàng thế giới và vàng SJC trong nước đồng loạt đảo chiều giảm mạnh, sau những phiên tăng mạnh trước đó. Giá vàng thế giới đã giảm từ mốc 1.800 USD/ounce, vàng SJC giao dịch sát 56 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm.

Giá vàng trên sàn Kitco niêm yết tại 1.782,9 - 1.783,9 USD/ounce, giảm 10,7 USD/ounce, ghi nhận vào lúc 0h15 ngày 23/4 (giờ Việt Nam).

Diễn biến giá vàng hôm nay 23/4

Chốt phiên giao dịch hôm qua (22/4), giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm tại hầu hết các hệ thống cửa hàng kinh doanh trên cả nước. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn điều chỉnh giá vàng SJC giảm mạnh 250.000 đồng/lượng ở chiều mua và 240.000 đồng/lượng chiều bán so với giá đầu phiên buổi sáng, hiện ở 55,48 - 55,83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)

Tại Hà Nội, trên hệ thống Bảo tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được điều chỉnh giảm mạnh, niêm yết tại 55,55 - 55,88 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 120.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh giảm xuống 52,81 - 53,41 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,05 - 53,15 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco niêm yết tại 1.782,9 - 1.783,9 USD/ounce, giảm 10,7 USD/ounce (0,6%), ghi nhận vào lúc 0h15 ngày 23/4 (giờ Việt Nam).

Các chuyên gia nói gì?

Tuy nhiên, chỉ trước đó ít giờ, trong phiên buổi chiều, giá vàng đã khá ổn định ở gần mức cao nhất của hai tháng, “áp sát” mốc 1.800 USD/ounce, trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm.

Đà tăng của vàng bị chặn lại khi đồng USD mạnh lên so với các tiền tệ lớn khác, thoát đáy 7 tuần xác lập trong phiên trước. Trong giai đoạn này, thị trường cũng chờ động thái từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ra quyết định về lãi suất, để phán đoán về kế hoạch kích thích của khối kinh tế này. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc họp này sẽ tạo tiền đề cho tháng 6, khi các nhà hoạch định chính sách phải quyết định xem có nên giảm thu mua trái phiếu, theo Reuters.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đang neo dưới 1,6%, làm giảm chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng. Chỉ số USD neo ở gần mức thấp trong nhiều tuần so với các đồng tiền đối thủ khác cũng giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD được giữ ở gần mức thấp của nhiều tuần so với rổ tiền tệ chính.

Tuần tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ có phiên họp chính sách đáng để thị trường chờ đợi.

Nhà phân tích Kyle Rodda thuộc IG Market nhận định, giá vàng có thể được đẩy lên trên mốc 1.800 USD/ounce, mức tâm lý quan trọng, nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục rơi, xuống dưới 1,5%.

Nhà Tư vấn phụ trách khu vực Nam Á Harshal Barot, thuộc Metals Focus, cho hay, giá vàng có thể dễ dàng vượt mốc 1.800 USD/ounce trong vài ngày tới do vẫn còn nhiều vấn đề bất ổn trên thị trường toàn cầu. Số ca mắc Covid-19 tại nhiều nước vẫn ghi nhận các mức cao kỷ lục và triển vọng tăng trưởng trên toàn cầu sẽ “hỗ trợ” các kênh đầu tư an toàn, như vàng.

Chuyên gia phân tích Carsten Fritsch từ Commerzbank nhận định, giá vàng có thể lên đến 1.800 USD/ounce một lần nữa vì tâm lý thị trường đã cải thiện và các quỹ ETF vàng sẽ không bán ra nữa. Cũng có ý kiến cho rằng, các ngân hàng trung ương, sẽ không làm gì để thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng, điều sẽ thúc đẩy giá vàng tăng cao", ông nói thêm.

Kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng nhanh nhất, lạm phát tạm thời 'cao hơn một chút'

Reuters mới đây công bố kết quả khảo sát cho thấy, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên trong năm 2021 và cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác với triển vọng được nâng lên. Tuy nhiên, nước này có nguy cơ phải đối mặt với số ca mắc Covid-19 gia tăng trong ba tháng tới.

Theo kết quả cuộc thăm dò từ ngày 16-20/4 với hơn 100 nhà kinh tế học, các nhà dự báo kinh tế đều bày tỏ tâm lý lạc quan về việc hoạt động kinh tế sẽ tăng lên nhờ gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã được thông qua, cùng với kế hoạch về cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 6,2% trong năm nay, triển vọng sáng sủa nhất kể từ khi cuộc thăm dò bắt đầu trong khoảng thời gian hơn hai năm trước. Nếu đạt được mức tăng trưởng trên, thì đây sẽ là mức tăng trưởng hàng năm nhanh nhất của kinh tế Mỹ kể từ năm 1984.

Trong khi đó, dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lạc quan hơn một chút so với cuộc thăm dò trên, ở mức 6,4%. Có khoảng 15% trong số 105 nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức bằng hoặc hơn 7% trong năm nay.

Tuy nhiên, gần 70% nhà kinh tế trả lời câu hỏi thêm nói rằng, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế là sự bùng phát trở lại dịch bệnh trong ba tháng tới. Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao của BMO Capital Markets cho biết, các dự báo tăng trưởng được nâng lên nhờ các gói kích thích kinh tế bổ sung và chương trình tiêm chủng vaccine diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu xảy ra một đợt tái bùng phát dịch nữa, các dự báo này sẽ trở nên vô nghĩa.

Mặc dù kinh tế Mỹ dự kiến sẽ trở lại mức trước cuộc khủng hoảng trong năm nay, song thị trường lao động dự kiến sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi hơn. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell mới đây cũng cho biết, lạm phát tạm thời “cao hơn một chút” trong năm nay, song tiết lộ, ngân hàng trung ương này đã cam kết hạn chế hạn chế bất kỳ đà tăng nào. Khi được hỏi Fed có khả năng giảm dần chương trình mua tài sản hàng tháng hay không, hơn 50% nhà kinh tế cho biết điều này có thể xảy ra trong quý đầu tiên của năm 2022