KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 25/11, Giá vàng giảm, trượt xa 1.800 USD, nín thở đợi tin từ Fed, SJC ngược chiều

Kỳ Văn

Giá vàng hôm nay giảm, ngày càng trượt xa ngưỡng quan trọng 1.800 USD. Lãi suất thực vẫn âm và sự không chắc chắn về Covid-19 đang hỗ trợ cho vàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi những số liệu về kinh tế Mỹ từ cuộc họp của Fed, vàng vẫn chịu nhiều áp lực

Giá vàng hôm nay giảm, ngày càng trượt xa ngưỡng quan trọng 1.800 USD. Nhà đầu tư thận trọng chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ. (Nguồn: Bloomberg)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay

Mở cửa phiên giao dịch sáng 24/11, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 59,15 - 59,97 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC không đổi ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 59 - 59,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 24/11, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York (Mỹ) giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.

Cụ thể, giá vàng giao tháng 12/2021 giảm 22,5 USD, tương đương 1,25% xuống 1.783,8 USD/ounce lúc đóng cửa. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 3 tuần, vì giá vàng đã phá vỡ ngưỡng tâm lý 1.800 USD/ounce.

Chiều 24/11, giá vàng tại thị trường châu Á đi lên, cho dù việc đồng USD mạnh lên và những đồn đoán rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất sớm hơn dự kiến vẫn giữ cho giá vàng ở dưới ngưỡng quan trọng là 1.800 USD/ounce.

Chiều phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.793,52 USD/ounce, sau khi giảm 0,9% vào phiên trước đó, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 5/11. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 0,5%, lên 1.793,50 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h03’ ngày 24/11, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.783,9 - 1.784,9 USD/ounce, giảm 5,8 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 24/11:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 59,4 – 60,1 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 59,45 – 60,15 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 59,50 – 60,25 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 59,4 – 60,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 59,52 – 60,23 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,83 – 52,48 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,25 – 53,35 triệu đồng/lượng.

Chờ đợi số liệu từ nền kinh tế Mỹ

Như vậy, giá vàng đã giảm khoảng 4,5% so với mức cao nhất trong 5 tháng vừa đạt được hồi tuần trước, do kỳ vọng rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể đẩy nhanh tốc độ bình thường hóa chính sách tiền tệ trong bối cảnh gia tăng lạm phát.

Những đồn đoán đó đã giúp củng cố chỉ số đồng USD, ổn định ở mức cao nhất gần 16 tháng vào ngày 24/11. Điều này đã tạo thêm áp lực lên vàng, khi kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận định rằng vàng không có khả năng tạo ra một đợt phục hồi đáng kể để vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce, trừ khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ ngừng tăng trong tuần này. Lợi tức này hiện không còn cách xa mức cao nhất kể cuối tháng 10 được ghi nhận vào đầu tháng này.

Hareesh V, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Geojit Financial Services ở Kochi (Ấn Độ), cho biết mặc dù dữ liệu gần đây của Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ khá tích cực, nhưng sự không chắc chắn về đà phục hồi của thị trường việc làm có thể ngăn Fed đẩy nhanh việc rút lại các chương trình kích thích kinh tế trong vài tháng tới, qua đó sẽ hỗ trợ vàng.

Tại Mỹ, vàng có vẻ đang “nín thở” vào ngày 24/11 khi các nhà đầu tư kiềm chế đặt cược lớn trong thời gian diễn ra cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed và chờ đợi những dữ liệu quan trọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vàng giao ngay ít thay đổi ở mức 1.788,12 USD/ounce vào lúc 11h36 GMT trong khi vàng giao sau của Mỹ tăng 0,3% lên 1.789,00 USD.

Kim loại quý này đã trượt xuống dưới mốc quan trọng 1.800 USD vào đầu tuần này khi ông Jerome Powell được tái đề cử giữ vị trí Chủ tịch Fed nhiệm kỳ thứ 2, củng cố niềm tin vào việc Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và thúc đẩy đồng USD.

Đồng USD tăng mạnh hơn khiến kim loại quý được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX cho biết, lãi suất thực vẫn âm và sự không chắc chắn về Covid-19 đang hỗ trợ cho vàng, nhưng việc ông Powell tái đề cử đã thúc đẩy thị trường tài chính và gây áp lực lên vàng miếng.

Nhìn chung, tâm lý của các nhà đầu tư vàng vẫn thận trọng chờ đợi những số liệu về kinh tế Mỹ từ cuộc họp của Fed, ông O’Connell nói.

Sự chú ý của các nhà đầu tư đang chuyển sang một loạt các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ, bao gồm chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), tăng trưởng GDP quý III/2021 và biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày 24/11 (giờ địa phương).

“GDP tăng trưởng vững chắc có thể xác nhận nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và có thể gây thêm áp lực lên Fed để tăng tốc quá trình giảm mua tài sản. Nhưng các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến dữ liệu lạm phát, điều này sẽ quan trọng hơn nhiều (khi vàng cố gắng đạt mức 1.800 USD)”, Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích đối ngoại tại Kinesis Money, cho biết.

Trong nhiều tháng, ông Powell đã khẳng định đợt lạm phát hiện tại có thể chỉ là tạm thời và cho biết ngân hàng trung ương sẽ “kiên nhẫn” trong việc quyết định thời điểm bắt đầu tăng lãi suất từ mức gần bằng không.

Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lợi.