KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 30/4: Vàng trong nước giảm mạnh dịp Nghỉ lễ 30/4 và 1/5; SJC bị đề nghị phá độc quyền; giá thế giới khó bứt phá

Kỳ Văn

Giá vàng thế giới giảm trở lại do đồng USD được củng cố. Tình hình có thể đã tác động tiêu cực tới thị trường trong nước, khi giá vàng SJC vừa xuất hiện tín hiệu tăng đã nhanh chóng sụt giảm trở lại ngay trong phiên giao dịch hôm qua.

Giá vàng SJC hiện đang quá cao so với mặt bằng chung của các sản phẩm vàng trong nước, nên có kiến nghị nên phá thế độc quyền. (Nguồn: SJC)

Diễn biến giá vàng hôm nay 30/4

Giá vàng thế giới tăng giảm trái chiều trong phiên chốt ngày hôm qua (29/4), trong bối cảnh USD mạnh lên, khi nhà đầu tư chờ đợi số liệu GDP của Mỹ để tìm kiếm thêm manh mối, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khẳng định triển vọng kinh tế sáng sủa hơn. Vẫn giữ lập trường chính sách nới lỏng, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp và cho biết, còn quá sớm để cân nhắc việc rút dần các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu đầu tư có ảnh hưởng đáng kể đến giá vàng. Các nhà đầu tư sẽ quay trở lại với vàng khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) tiếp tục duy trì lãi suất thấp. Do đó, giá vàng sẽ khó rớt mạnh trong thời gian tới.

Ghi nhận của TG&VN vào lúc 1h 35 phút ngày 30/1 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang niêm yết tại 1.769,7 - 1.770,7 giảm 11,8 USD (0,66) so với phiên liền trước.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC bất ngờ phục hồi mạnh mẽ trong đầu giờ. Tuy nhiên, đà tăng không bền, khi lại nhanh chóng giảm khoảng 110.000 - 200.000 đồng/lượng vào cuối phiên, tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc.

Công ty VBĐQ Sài Gòn, chi nhánh miền Nam điều chỉnh giá vàng trong nước cùng giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 55,30 - 55,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Cùng thời điểm tại Hà Nội, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC tại 55,28 - 55,59 triệu đồng/lượng, cũng điều chỉnh giảm lần lượt 150.000 đồng/lượng và 110.000 đồng/lượng theo hai chiều mua - bán so với đầu giờ sáng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng được điều chỉnh giảm xuống 52,26 - 52,86 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,55 - 52,65 triệu đồng/lượng.

Với lý do, giá vàng SJC hiện đang quá cao so với mặt bằng chung của các sản phẩm vàng trong nước, nên có kiến nghị nên phá thế độc quyền.

Hiện nay, trên thị trường chỉ có duy nhất vàng miếng SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) mới đây đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, NHNN nhiều giải pháp nhằm đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng. Qua đó nhằm cởi trói cho thị trường vàng vốn bị siết chặt bởi Nghị định 24/2012 trong gần 10 năm qua. Theo đó, VGTA đề xuất bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như lâu nay, mà nên cấp phép cho một số công ty đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.

VGTA cũng đề nghị xem xét cấp phép thêm một số thương hiệu vàng miếng có uy tín khác (ngoài SJC) đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường. Qua đó tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của vàng miếng và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người mua vàng.

Điều gì đang xảy ra, giá vàng khó bứt phá trước năm 2022

Nhà tư vấn nghiên cứu cao cấp về Nam Á - Harshal Barot, tại Metals Focus, nhận định, việc Fed lạc quan về sự phục hồi kinh tế có nghĩa là vàng sẽ khó bứt phá cao hơn, ít nhất là trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ tăng trưởng, cũng đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng, gây bất lợi cho thị trường vàng.

Còn theo nhà phân tích Ole Hansen thuộc Saxo Bank, thị trường vàng đang thiếu sự tự tin sau khi đạt mức 1.790 USD/ounce phiên trước và từng thất bại trước mốc 1.800 USD/ounce do niềm tin của nhà đầu tư không đủ lớn.

Giá cả hàng hóa đã tăng trên diện rộng - từ quặng sắt, gỗ xẻ và đồng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, việc tăng giá có thể chỉ là tạm thời, dự kiến ​​sự thoái lui trong nửa cuối năm nay.

Khi các nền kinh tế trên thế giới mở cửa trở lại, nhiều người, bao gồm cả Chủ tịch Fed cho rằng, những áp lực về giá này đã xảy ra. Không chỉ vàng đã phải vật lộn để tìm đủ lực kéo để vượt qua mức 1.800 USD/ounce, mà một số nhà phân tích thị trường đang cảnh báo các nhà đầu tư rằng, họ có thể sẽ không nhìn thấy ngưỡng 1.900 USD/ounce cho đến năm sau.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, chuyên gia Chantelle Schieven - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Murenbeeld & Co., cho biết, trong khi cô ấy lạc quan về vàng trong dài hạn, thì kim loại quý này vẫn có một số khó khăn trong thời gian còn lại của năm nay.

Công ty nghiên cứu này gần đây đã cập nhật dự báo vàng cho quý thứ hai và dự kiến giá trung bình trong quý thứ hai vào khoảng 1.806 USD/ounce. Vàng sẽ có những cải thiện gia tăng trong quý 3 và quý 4 với giá trung bình lần lượt là 1.827 USD và 1.865 USD/ounce.

Murenbeeld & Co không kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trở lại trên 1.900 USD/ounce cho đến quý đầu tiên của năm 2022 và các nhà phân tích cũng không kỳ vọng giá sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại cho đến quý II năm sau.

Chuyên gia Schieven cho biết, cô tương đối trung lập với vàng trong thời gian tới vì các ngân hàng trung ương hiện đang vẫn trong mô hình nắm giữ, chờ xem liệu tất cả các kích thích mà họ đã bơm vào hệ thống có mang về sự phục hồi mạnh mẽ bền vững hay không.

Chuyên gia Schieven nói thêm rằng loạt dữ liệu kinh tế mới nhất chỉ ra kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý, Fed đã nói rõ rằng, họ muốn thấy sự tăng trưởng thực tế và không phản ứng với các dự báo. Chuyên gia Schieven nói thêm rằng, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn xung quanh đường đi của đại dịch và "tốc độ" phục hồi hiện tại sẽ không bền vững.

Đối với thị trường vàng, một sự không chắc chắn đáng kể khác đang kìm hãm thị trường là nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ dẫn đến lạm phát gia tăng, Schieven nói.