KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 30/6: Giá vàng giữ vị thế, chờ Fed, Mỹ 'quay lưng' vàng Nga - thị trường thế giới vẫn ung dung?

Kỳ Văn

Giá vàng hôm nay 30/6 ghi nhận thị trường thế giới bật tăng nhẹ nhờ đồng USD giảm so với các đồng tiền đối thủ. Theo Reuters, lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga đang được coi là mang tính biểu tượng, vì xuất khẩu vàng từ quốc gia này sang phương Tây đã giảm mạnh.

Giá vàng hôm nay 30/6: Giá vàng giữ vị thế, chờ tín hiệu từ Fed, Mỹ 'xa lánh' vàng Nga - thị trường thế giới vẫn ung dung? (Nguồn: Kitco News)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 30/6


Ghi nhận của TG&VN lúc 19h30 ngày 29/6, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch Kitco bật tăng nhẹ 8 USD, giao dịch ở mức 1.828,4 - 1.829,4 USD/ounce. Nhờ đồng USD suy yếu, kim loại quý tăng sức hấp dẫn.

Đồng USD giảm so với các đồng tiền đối thủ giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua trên các thị trường quốc tế khác. Chỉ số USD Index giảm 0,06% xuống gần 104,2.

Trong nước, giá vàng SJC chốt phiên 29/6 đồng loạt tăng trong khoảng 10.000-200.000 đồng/lượng tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng.

Cụ thể, tăng nhiều nhất là giá vàng tại hệ thống PNJ theo hai chi nhánh Hà Nội và TP HCM, với mức tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tiếp đến là giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và Tập đoàn Doji, điều chỉnh tăng lần lượt 150.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng ở hai chiều mua vào và bán ra.

Tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng trong nước cuối phiên có mức tăng 80.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua bán so với giá đầu phiên sáng nay.

Chốt phiên giao dịch ngày 29/6, bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,20 – 68,90 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,10 – 68,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,13 – 68,78 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,0 – 68,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,14 – 68,76 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,66 – 54,36 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,85 – 54,25 triệu đồng/lượng.

Vàng biến động trong phạm vi hẹp


Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) nhận định: “Giá vàng biến động trong phạm vi hẹp và sẽ tiếp tục dao động trong phạm vi này trong ngắn hạn. Thị trường sẽ chỉ tìm được hướng đi rõ ràng sau khi nhận thêm dữ liệu kinh tế và thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)”.

Tuy nhiên, vàng gần như vẫn giữ được vị thế bất chấp đồng USD mạnh - vốn thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng.

Theo Reuters, Chủ tịch Fed Jerome Powell là một trong số quan chức các ngân hàng trung ương lớn tham dự diễn đàn thường niên ở Sintra, Bồ Đào Nha.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tại Bồ Đào Nha, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng này sẽ hành động từ từ nhưng sẽ "ra tay" dứt khoát trước bất kỳ diễn biến xấu đi của lạm phát trong trung hạn.

Mỹ "cấm cửa" vàng Nga, thế giới không ảnh hưởng?
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này đã ban hành loạt trừng phạt mới đối với Nga do liên quan tới chiến dịch tại Ukraine như cấm nhập khẩu vàng Nga.

Nhà Trắng cho biết, Nga chiếm khoảng 5% tổng lượng vàng xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020 và 90% lượng vàng từ Nga là xuất sang các nước G7. Năm 2021, vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,5 tỷ USD.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden viết: "Chúng tôi sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga, một mặt hàng xuất khẩu chính đem về hàng chục tỷ USD cho quốc gia này".

Đồng quan điểm, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết, lệnh cấm trên sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, theo Reuters, động thái này đang được coi là mang tính biểu tượng, vì xuất khẩu vàng từ Nga sang phương Tây đã giảm mạnh.

Ông Byron King từ Agora Financial cũng đánh giá, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga có thể phản tác dụng khi giá dầu và lương thực tiếp tục tăng.

Theo hãng tin Bloomberg, dự trữ vàng trên toàn cầu đạt khoảng 205.000 tấn và mỗi năm các nhà khai thác có thể bổ sung thêm 3.500 tấn khác. Mỗi năm, khoảng 25% lượng vàng tiêu thụ trên thế giới đến từ việc bán hoặc nấu chảy trang sức, tiền xu.... Con số này có thể tăng lên khi nguy cơ thiếu hụt nguồn cung bổ sung từ các mỏ khai thác gây áp lực lên giá vàng.

Trong khi đó, với một nền kinh tế ngày càng “hướng nội” như Nga thì nhu cầu của người dân trong nước cũng đã đủ để tiêu thụ hết lượng vàng khai thác mỗi năm. Ngân hàng trung ương Nga (RCB) chính là đơn vị duy nhất có thể bán vàng thỏi ra nước ngoài.

Mặt khác, hầu như vàng được sản xuất trong nước đều được RCB thu mua để đề phòng kịch bản Nga bị cô lập hơn nữa khỏi thị trường tài chính quốc tế.

Sản lượng vàng của Moscow vào năm ngoái là 300 tấn, chỉ xếp sau Trung Quốc và Australia và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với thương mại toàn cầu, sản lượng không phải yếu tố quyết định mà là xuất khẩu ròng.

Thặng dư thương mại vàng cộng dồn của Nga trong 10 năm qua lên tới 60,38 tỷ USD nhưng vẫn thấp hơn so với mức 60,65 tỷ USD mà Nhật Bản kiếm được bằng cách bán bớt lượng vàng do tư nhân và nhà nước nắm giữ. Vì vậy, lệnh cấm vận đối với vàng của Nga nhiều khả năng sẽ không làm rung chuyển thị trường.