KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 31/3, Giá vàng bất ngờ đảo chiều, tâm lý cảnh giác khắp nơi, giá sẽ vọt tăng nếu vàng Nga bị cấm, SJC còn ‘rơi’?

Kỳ Văn

Giá vàng hôm nay 31/3 bất ngờ tăng. Thị trường không bị rung chuyển bởi dữ liệu kinh tế hơi đáng thất vọng của Mỹ. Vàng đang chứng kiến ​​động lực mua kỹ thuật sau phiên giảm mạnh. Các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với cam kết của Nga liên quan xung đột với Ukraine. Vàng dự trữ của Nga khó bị trừng phạt.

Cập nhật giá vàng hôm nay 31/3: Trong nước dưới mốc 69 triệu đồng/lượng

Mở cửa ngày giao dịch, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 68,15 - 68,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC không đổi so với chốt phiên hôm qua, ở mức 68 - 68,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường thế giới, vào lúc 9h15’ ngày 31/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1.926,4 - 1.927,4 USD/ounce.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank, 1 USD = 23.000 VND, giá vàng thế giới tương đương 54,06 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 14,81 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay 31/3, Giá vàng bất ngờ đảo chiều, tâm lý cảnh giác khắp nơi, giá sẽ vọt tăng nếu vàng Nga bị cấm, SJC còn ‘rơi’?. (Nguồn: Getty)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 31/3

Mở cửa ngày giao dịch 30/1, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 68,55 - 69,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm trước, ở mức 68,5 - 69,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường châu Á, giá vàng đi lên trong phiên giao dịch chiều ngày 30/3, nhờ đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đồng loạt hạ.

Đà tăng của giá vàng diễn ra bất chấp các dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine đã đạt được một số tiến triển, làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một nơi trú ẩn an toàn và hạn chế biên độ tăng của kim loại quý này.

Chiều phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.925,75 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h00 ngày 30/3, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.932,5 - 1.933,5 USD/ounce, tăng 12,5 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 30/3:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,0 – 68,7 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,0 – 68,8 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,0 – 68,8 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,0 – 68,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,01 – 68,79 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,03 – 55,83 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,2 – 55,7 triệu đồng/lượng.

Như vậy, trong phiên giao dịch chiều 30/3, SJC chính thức “rơi” khỏi mốc 69 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng, tâm lý thận trọng đối với khủng hoảng Ukraine

Trong phiên giao dịch ngày 30/3, giá vàng thế giới bất ngờ tăng, được thúc đẩy bởi một đồng USD yếu hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm nhẹ.

Giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.924,40 USD/ounce vào lúc 11h49’ GMT. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6% lên 1.929,00 USD/ounce.

Giá vàng đang giữ ở mức tích cực ngay cả khi đà tăng trên thị trường lao động Mỹ được duy trì ổn định, với số lượng việc làm trong khu vực tư nhân tăng so với kỳ vọng.

Trong tháng 3/2022, 455.000 việc làm tại Mỹ đã được tạo ra, phù hợp với dự báo trước đó, và giảm nhẹ so với mức 486.000 việc làm vào tháng 2.

Những con số việc làm mới nhất không ảnh hưởng nhiều đến giá vàng.

Cùng ngày 30/3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, ước tính GDP quý IV/2021 của nước này tăng 6,69, thấp hơn một chút so với ước tính trước đó là 7%.

Thị trường vàng không bị rung chuyển bởi dữ liệu kinh tế hơi đáng thất vọng trên. Theo một số nhà phân tích thị trường, vàng đang chứng kiến ​​động lực mua kỹ thuật sau khi giá giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce một thời gian ngắn vào thứ Ba.

Các nhà phân tích đã nói rằng xu hướng tăng của vàng vẫn còn nguyên nếu giá có thể giữ trên 1.925 USD/ounce. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý, kim loại quý này cũng phải đối mặt với mức kháng cự đầy thách thức quanh mức 1.950 USD/ounce.

Trước đó, vào phiên thứ Ba, giá vàng giảm tới 1,8% so với mức thấp nhất kể từ ngày 28/2 khi có dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine trước khi khôi phục trở lại vào lúc đóng cửa khi chỉ giảm 0,2% trong ngày.

Việc vàng giảm giá không làm giảm đi sự lạc quan của các nhà đầu cơ trên thị trường kim loại quý. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là một trong những đợt điều chỉnh giảm như thường lệ trước xu hướng tăng trong ngắn hạn của vàng.

Về phiên giao dịch 30/2 trên thị trường thế giới, nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết: “Ở một mức độ nào đó, tác động từ chiến sự ở Ukraine dường như đang bị xói mòn khỏi giá vàng. Việc vàng bật lên mạnh mẽ khỏi mốc 1.890 USD là một điều đáng khích lệ”.

Trong cuộc đàm phán hôm 29/3, Nga cam kết cắt giảm các hoạt động quân sự xung quanh Kiev và ở miền Bắc Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine và các đồng minh phương Tây tỏ ra nghi ngờ về cam kết rút lui quân sự của Nga, cho rằng đó chỉ là hoạt động tái điều động trang thiết bị.

Nhà phân tích thị trường cao cấp Matt Simpson của City Index cho biết, các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với cam kết của Nga.

Trong bối cảnh đó, đồng USD giảm 0,5% xuống mức thấp nhất gần hai tuần làm cho vàng định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn cho những người nắm giữ tiền tệ khác.

Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi vốn không sinh lời.

Đường cong lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ đã đảo ngược vào thứ Ba, lần đầu tiên kể từ năm 2019, khi các nhà đầu tư định giá một cách tích cực kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi ngân hàng trung ương cố gắng kìm đà tăng của lạm phát, vốn đã ở mức cao nhất trong 40 năm.

Trong khi đó, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã giảm 0,2% lượng vàng mua vào, còn 1.091,44 tấn.

Nhà phân tích thị trường cao cấp của City Index, Matt Simpson cho biết: "Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho giá vàng. Giá trái phiếu tăng từ mức hỗ trợ quan trọng vào phiên trước (29/3) đã kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ xuống thấp hơn, bất chấp sự phục hồi được cho là có rủi ro trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management cho biết, rủi ro địa chính trị ngày càng tăng đã phần nào hỗ trợ cho thị trường vàng. Tuy nhiên, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát đang là yếu tố cản trở hiện nay.

Liên quan thị trường vàng, theo RT, nhà đầu tư và tác giả của cuốn Planet Ponzi Mitchell Feierstein cho biết, có thể dễ dàng bỏ qua mọi trừng phạt nhằm vào dự trữ vàng của Nga.

Cụ thể, trước động thái cấm mới nhất của Mỹ và Anh đối với các giao dịch liên quan đến dự trữ vàng của Nga, Feierstein nói, không thể trừng phạt vàng của Ngân hàng Trung ương Nga. Thứ nhất vì Ngân hàng này là người mua vàng chứ không phải người bán. Thứ hai, quá trình "tinh luyện" để sản xuất vàng miếng hoặc vàng xu dễ dàng được nhân rộng.

Theo ông Feierstein, nếu vàng Nga bị cấm, các sàn giao dịch của phương Tây có thể thất bại và giá vàng sẽ tăng vọt.