KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 3/3, Giá vàng bất ngờ đảo chiều, nhà đầu tư lo sợ khi Nga có thể bán tháo, SJC tăng vượt dự đoán

Kỳ Văn

Giá vàng hôm nay 3/3 giảm nhẹ. Khi nói đến tài sản để sở hữu trong thời kỳ địa chính trị cực kỳ bất ổn, chỉ có một thứ đóng vai trò là kho lưu trữ giá trị cuối cùng, đó chính là vàng. Nhà đầu tư sợ hãi về việc Nga có thể bán lượng vàng dự trữ với số lượng lớn sẽ đè nặng lên thị trường trong tương lai.

Giá vàng hôm nay 3/3, Giá vàng bất ngờ đảo chiều, nỗi sợ hãi khi Nga chưa kịp gom vàng đã vội bán tháo. (Nguồn: Reuters)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 3/3

Mở cửa ngày giao dịch 2/3, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 350 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước, niêm yết ở mức 66 - 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 350 nghìn/lượng ở chiều mua vào và 250 nghìn/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước, ở mức 65,9 - 66,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, trên thị trường châu Á, giá vàng giảm trong phiên 2/3 sau khi đồng USD mạnh lên, giữa lúc thị trường đang chờ đợi tín hiệu về kế hoạch nâng lãi suất từ Chủ tịch Cục Dự trữ diên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Vào lúc 15h03’ theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.940,26 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,3% lên 1.949,40 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h26’ ngày 2/3, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.939,2 - 1.940,2 USD/ounce, giảm 6,1 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 2/3:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,6 – 67,4 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,2 – 67,3 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,2 – 67,3 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,5 – 67,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,22 – 67,28 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,71 – 55,61 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,3 – 55,5 triệu đồng/lượng.

Vàng giảm nhẹ, Nga liệu có bán vàng dự trữ?

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch 2/3 giảm nhẹ khi lợi suất trái phiếu của Mỹ và đồng USD tăng giá.

Lợi suất trái phiếu kho bạc chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng được củng cố, thu hút một số nhà đầu tư rời khỏi giao dịch vàng vốn không chịu lãi suất.

Vàng giao ngay giảm 1% xuống 1.924,00 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.935,60 USD.

Nhà phân tích Peter Fertig của Quantitative Commodity Research cho biết: “Việc vàng đang bị áp lực bởi đồng USD và lợi suất trái phiếu chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ và với khả năng phương Tây tham gia nhiều hơn vào cuộc khủng hoảng Ukraine, có rất nhiều động lực chính trị có thể hỗ trợ cho vàng".

Hôm thứ Hai, vàng đã tăng 2,2% lên gần mức đỉnh 17 tháng được thiết lập vào tuần trước.

SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, đã tăng dự trữ lên 1.042,38 tấn vào thứ Ba - mức cao nhất kể từ tháng 7/2021.

Randy Smallwood, Giám đốc điều hành của Wheaton Precious Metals, nói với Michelle Makori, Tổng biên tập của Kitco News bên lề Hội nghị khai thác và kim loại toàn cầu BMO rằng các thị trường cho đến nay phản ứng khá mạnh với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo ông Smallwood, khi nói đến tài sản để sở hữu trong thời kỳ địa chính trị cực kỳ bất ổn trên thế giới, chỉ có một thứ đóng vai trò là kho lưu trữ giá trị cuối cùng, và đó là vàng.

Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine ngày một leo thang.

Thứ Ba tuần này, thị trường chứng khoán xôn xao trước thông tin Nga tăng cường tấn công Ukraine sau khi vòng đàm phán đầu tiên giữa hai nước kết thúc vào thứ Hai. Chỉ số S&P 500 giảm 1,72% trong khi vàng tăng 1,52%.

Chuyên gia Smallwood lưu ý, ngay cả khi không có xung đột ở Đông Âu, các nguyên tắc cơ bản vẫn có lợi cho vàng.

Ông nói: “Ngay cả trên một cơ sở rộng lớn hơn, chúng tôi thấy chi phí đang tăng lên”.

Theo ông, đồng USD, Euro đều bị mất giá so với tài sản cứng và vàng là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, tốt nhất hiện có.

“Tất cả đều là điềm báo tốt cho vàng. Chúng tôi đã nhận định vàng có xu hướng tăng giá kéo dài trong 20 năm và chúng tôi nhận thấy xu hướng đó sẽ tiếp tục diễn ra”, Smallwood khẳng định.

Đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ bắt đầu nối lại hoạt động mua vàng chính thức sau hai năm gián đoạn. Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc bán vàng không còn xa khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và đồng Ruble lao dốc.

Nền kinh tế Nga đang bắt đầu cảm thấy bị cô lập sau khi phương Tây thực hiện các lệnh trừng phạt trừng phạt ngân hàng trung ương của Nga và loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.

Trong khi đó, vàng đã tăng giá trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư tìm đến kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn.

Bên cạnh sự không chắc chắn về địa chính trị, việc ngân hàng trung ương mua nhiều vàng hơn thường là một yếu tố thúc đẩy giá tốt. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc mua thêm vàng của Nga có thể chỉ là tiền đề cho việc bán ồ ạt kim loại quý.

Người đứng đầu MKS PAMP SA Nicky Shiels cho biết, Nga có thể sẽ tiếp tục mua vàng trong nước để hỗ trợ nền kinh tế, đây là động lực tăng giá ngắn hạn cho kim loại này, nhưng có khả năng chỉ là vấn đề thời gian trước khi nước này bắt đầu bán vàng dự trữ vàng của mình.

“Và nỗi sợ hãi về việc Nga bán lượng vàng dự trữ của mình với số lượng lớn sẽ đè nặng lên thị trường trong tương lai, đặc biệt là nếu đồng Ruble tiếp tục lao dốc”, ông Shiels nhận định.

Quyết định tiếp tục mua vàng của Nga được đưa ra gần hai năm sau khi ngân hàng trung ương nước này đình chỉ chương trình mua vàng trong nước. Đây là thời điểm giá vàng tăng vọt khi đại dịch bùng phát.

Trước đó, Nga đã dành nhiều năm để tăng cường dự trữ vàng. Năm ngoái, giá trị vàng của Nga trong dự trữ ngoại hối của nước này đã lần đầu tiên vượt mức dự trữ USD của quốc gia này. Vào cuối tháng 6/2020, tổng dự trữ vàng của Nga trong tổng dự trữ ngoại hối đã tăng ở lên mức 22,9%.

Điều này thể hiện chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm phi USD hóa nền kinh tế Nga và bảo vệ nền kinh tế này khỏi các lệnh trừng phạt khác.

Theo dữ liệu mới nhất của IMF, tính đến cuối tháng 1, Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng, lớn thứ 5 thế giới.