KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 6/1, Giá vàng tăng mạnh, dự báo sốc về đỉnh giá năm 2022, SJC được chắp thêm cánh?

Kỳ Văn

Giá vàng hôm nay 6/1 tăng mạnh. Sự nghiệt ngã của Covid-19 củng cố thêm sức hấp dẫn của vàng với vai trò là hàng rào chống lạm phát. Nhận xét táo bạo về giá vàng năm 2022, hướng tới mốc kỷ lục mới 2.160 USD/ounce. Vì sao?

Giá vàng hôm nay 6/1 tăng mạnh. Sự nghiệt ngã của Covid-19 củng cố thêm sức hấp dẫn của vàng, hướng tới mốc kỷ lục mới 2.160 USD/ounce. (Nguồn: Vibes of India)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 6/1

Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/1, giá vàng trong nước tăng 50 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước.

Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giữ nguyên so với cuối phiên qua, niêm yết ở mức 60,9 - 61,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 60,95 - 61,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 60,85 - 61,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Trên thị trường châu Á, giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch ngày 5/1 khi những người tham gia thị trường cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất, giữa bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng cao.

Cuối phiên này, giá vàng giao ngay hầu như không thay đổi, đứng ở mức 1.815,68 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giữ nguyên mức 1.815,20 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 20h42’ ngày 5/1, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.823,7 - 1.824,7 USD/ounce, tăng 9,3 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 5/1:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 61,0 - 61,72 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 60,95 - 61,6 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 61,05 – 61,6 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,95 – 61,65 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 61,06 – 61,57 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,52 – 53,17 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,9 – 53,0 triệu đồng/lượng.

Vàng sớm lấy lại vị thế

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng vào ngày 5/1 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng nhanh khiến kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn bởi vẫn là nơi trú ẩn an toàn.

Tuy nhiên, giao dịch bị giới hạn trong phạm vi hẹp do các nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed với khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất.

Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.817,10 USD/ounce vào lúc 12h47 GMT, với giá vàng giao sau của Mỹ tăng 0,2% lên 1.818,50 USD/ounce.

Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades, cho biết: “Số lượng ca mắc Covid-19 tăng cao góp phần hỗ trợ giá vàng và củng cố sức hút của kim loại quý.

Yếu tố cung cấp cho vàng một số kháng cự là sức mạnh của đồng USD và khả năng đồng tiền này mạnh hơn nữa do chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed”.

Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.

Đồng USD giữ dưới mức cao nhất trong hai tuần, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm thấp hơn sau khi tăng lên lên mức cao nhất trong hơn một tháng vào phiên trước đó.

Trong một báo cáo nghiên cứu, ngân hàng Commerzbank cho biết, dữ liệu thị trường lao động ADP sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn đến giá vàng. "Nếu đồng USD và/hoặc lợi suất trái phiếu phản ứng với các số liệu về thị trường lao động, giá vàng cũng sẽ bắt đầu di chuyển”.

Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích thị trường tại Kinesis nhận định: “Từ quan điểm kỹ thuật, chúng tôi thấy có một tín hiệu tích cực mới khi vàng vượt qua mức 1.830 USD. Tuy nhiên, nếu kim loại quý giảm xuống dưới 1.800 USD thì nó có thể về vùng giá từ 1.760-1.800 USD”.

Cùng quan điểm với nhà phân tích Evangelista, ông Brian Lan, Giám đốc điều hành tại trung tâm GoldSilver Central, cho biết áp lực đối với vàng là "lợi suất trái phiếu cao hơn, đồng USD mạnh và khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 3/2022", điều đang thu hút sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư.

Ông Lan cho biết, giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trong thời gian tới, vì nhiều ngân hàng trung ương sẽ mua vàng hơn nếu thế giới chưa thể kiểm soát được biến thể Omicron và đại dịch tiếp tục là một vấn đề gây nhức nhối trên toàn cầu.

Mặc dù vậy, Giám đốc công ty tư vấn AirGuide Michael Langford cho biết: “Xu hướng tăng của giá vàng đang dịu dần khi các loại tài sản khác cung cấp “đòn bẩy” tốt hơn cho rủi ro và lợi nhuận”.

Chuyên gia này dự báo giá vàng trong ngắn hạn có thể tăng lên 1.820 USD/ounce, nhưng trong trung hạn sẽ ở mức dưới 1.800 USD/ounce.

Ở diễn biến khác, nhận định về xu hướng giá vàng năm 2022, Byron Wien, Phó Chủ tịch mảng kinh doanh giải pháp tài sản tư nhân và Joe Zidle – Trưởng mảng chiến lược gia đầu tư của Blackstone đều nhận định, vàng có thể tăng tới 20% trong năm 2022 khi nó trở lại đúng vị thế là tài sản phòng ngừa lạm phát.

Nhận định trên được đưa ra trong bài đăng hằng năm mang tên “Mười điều ngạc nhiên của năm 2022” của Blackstone. Trong bài viết, hai chuyên gia đều lạc quan về kim loại quý dù vàng vừa trải qua năm tồi tệ nhất kể từ năm 2015 khi giá bốc hơi 3,6%.

Về dự đoán khá táo bạo này, các chuyên gia cho rằng, năm 2022, các nhà đầu tư sẽ đổ xô tới vàng nhằm tìm khoản bảo vệ trước lạm phát nóng và dai dẳng hơn.

Hai chuyên gia trên khẳng định: Giá vàng sẽ tăng 20% lên mức cao kỷ lục mới. Mặc dù tăng trưởng kinh tế ở Mỹ khá mạnh, các nhà đầu tư vẫn sẽ phải tìm kiếm sự an toàn và vàng chính là hàng rào lạm phát trong bối cảnh giá cả tăng cao và biến động.

Nếu dự đoán trên là đúng, vàng sẽ đạt mức cao kỷ lục mới với mốc trên 2.160 USD trong năm 2022 này.