KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 6/4: Giá vàng lình xình, vàng thất thế, Nga xoay sở tìm cách bán nhanh, chuyên gia nói về cách đầu tư thông minh nhất?

Kỳ Văn

Giá vàng hôm nay 6/4, thêm một lần nữa, tại thị trường trong nước giá vàng SJC chính thức đánh mất ngưỡng 69 triệu đồng/lượng. Cũng chịu chung áp lực đi xuống vì lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao và triển vọng Fed tích cực tăng lãi suất cơ bản, giá vàng thế giới bị giảm sức hấp dẫn.

Giá vàng hôm nay 6/4, vàng SJC chính thức tụt khỏi ngưỡng 69 triệu đồng/lượng một lần nữa. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng hôm nay 6/4:

Giá vàng trong nước đồng loạt giảm 50.000 - 200.000 đồng/lượng vào cuối phiên chiều qua (5/4), sau khi có sự phục hồi nhẹ vào đầu phiên. Trong đó, giá vàng SJC được điều chỉnh mạnh nhất tại Công ty VBĐQ Sài Gòn và hệ thống PNJ, đảo chiều cùng giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào. Trong khi, chiều bán ra giảm 150.000 đồng/lượng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn, nhưng giảm nhiều hơn 200.000 đồng/lượng tại hệ thống PNJ.

Còn tại Tập đoàn Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC điều chỉnh giảm đồng loạt 50.000 đồng/lượng cho chiều mua vào, còn chiều bán ra giảm lần lượt 100.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, chốt phiên vẫn không thay đổi ở chiều mua vào nhưng lại điều chỉnh giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhận định về khả năng sinh lợi của vàng, với lợi thế thường được xem là tài sản trú ẩn, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động như chiến tranh, thiên tai... mặc dù tỷ suất sinh lời khá khiêm tốn so với các loại tài sản khác. Các chuyên gia cho biết, tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) của vàng trong giai đoạn 2010-2021 ở mức 8%. Khi Covid-19 mới bùng phát, rủi ro bất ổn khiến nhiều nhà đầu tư hay đầu cơ tăng tỷ trọng tài sản sang vàng, đẩy giá kim loại quý này lên đỉnh. Gần đây, khi tình hình địa chính trị Nga - Ukraine bắt đầu trở nên căng thẳng, giá vàng nhanh chóng leo thang

Tuy nhiên, vàng là tài sản thường được bán ra đầu tiên khi rủi ro biến động qua đi, nên người dân cần lưu ý không nên mua vào khi thị trường đang ở đỉnh của biến động. Ngoài ra, chênh lệch của giá vàng trong nước so với thế giới cũng có nhiều đợt giãn rộng, thời điểm cao nhất lên đến 20 triệu đồng/lượng. Do đó, người mua cũng cần lưu ý để hạn chế rủi ro.

So với việc gửi tiết kiệm (an toàn hơn) hay chứng khoán (hiệu quả sinh lời tốt hơn: 11%), tùy theo khẩu vị rủi ro, nhưng việc cân nhắc chia % đầu tư, mà vàng cũng chiếm tỉ lệ nhất định trong tổng tài sản là thông minh nhất.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (ngày 5/4), giá vàng SJC giao dịch tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,20 – 68,87 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng tại: 68,20 – 68,85 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,15 – 68,80 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,20 – 68,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,16 – 68,79 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường kim loại quý, các sản phẩm khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,76 – 55,46 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 53,80 – 55,30 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới mới nhất

Giá vàng thế giới những ngày này đang chịu sự chi phối bởi hai yếu tố nổi bật là lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tích cực tăng lãi suất làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.

Ghi nhận của TG&VN, lúc 4h30 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco, tiếp tục lình xình quanh mức giá này, giảm 11,2 USD (0,58%), giao dịch tại 1.923,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 cũng giảm 0,25% xuống 1.929 USD/ounce.

Thị trường vẫn đang bị giằng co giữa những nhà đầu tư tìm tới vàng như một nơi trú ẩn chống lại lạm phát và lo ngại về tăng trưởng và sự biến động cao trên thị trường trái phiếu và môi trường lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng cao. “Thị trường đang ghi nhận ​​một mức đỉnh mới của lợi suất thực Mỹ và điều đó thực sự chỉ giữ cho thị trường (vàng) khá ổn định trong một phạm vi", nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank đưa ra nhận định.

Đáng chú ý, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ, đã tăng lên mức cao nhất gần hai năm, ngày 4/4. Trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ neo gần đỉnh kể từ đầu năm 2019. Đồng USD ổn định sau khi tăng liên tiếp ba phiên nhờ triển vọng phương Tây áp lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga.

Lãi suất của Mỹ cao làm tăng phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng, trong khi thúc đẩy đồng USD.

Nga tìm cách bán vàng?

Theo Bloomberg, ngành công nghiệp vàng của Nga vốn có thị trường chủ yếu ở châu Âu và Mỹ…, Là nước khai thác vàng lớn thứ hai trên thế giới, Nga đang phải xoay xở tìm cách giải phóng khối lượng vàng khổng lồ sau lệnh trừng phạt vì xung đột tại Ukraine.

Lệnh cấm vận nghiêm ngặt của phương Tây sẽ khiến ngành vàng của Nga bị ảnh hưởng rõ rệt. Dù Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ thu mua vàng trở lại sau 2 năm tạm dừng, nhưng họ sẽ không mua vào nhiều như trước đây.

Nga xuất khẩu 340 tấn vàng khai thác, trị giá khoảng 20 tỷ USD. Hiện có rất ít ngân hàng nằm ngoài vòng trừng phạt có khả năng xử lý số vàng đó. Do vậy, tăng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc và Trung Đông là những lựa chọn được tính tới. Một số công ty khai thác lớn khác cũng đã bắt đầu đàm phán với các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và UAE. Ngân hàng Trung ương Nga từng là đơn vị mua vàng có chủ quyền lớn nhất. Việc ngân hàng này cam kết bắt đầu mua lại sẽ giúp giải phóng một phần nguồn cung không thể xuất khẩu.

Ngân hàng Trung ương Nga sẽ chỉ giới hạn mức giá ở mốc 5.000 Ruble/gram, xấp xỉ 1.880 USD/ounce theo tỷ giá hối đoái hiện nay và thấp hơn so với giá trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, thị trường bán lẻ nội địa cũng có thể mở ra tiềm năng kinh doanh mới. Chính phủ Nga đã xóa bỏ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động mua - bán lẻ vàng trong nước sau khi tình hình tại Ukraine trở nên phức tạp.

Thị trường vàng thường thặng dư. Nếu nhu cầu trong nước của Nga tăng lên, thị trường quốc tế sẽ mất đi một nguồn cung. Giá vàng có thể quay về thế cân bằng hơn lần đầu tiên kể từ năm 2015 đến nay", nhà phân tích Suki Cooper tại công ty dịch vụ tài chính Standard Chartered, nhận định.

Trong khi đó, trong tháng thứ hai liên tiếp, các ngân hàng trung ương đã bán ròng vàng trong tháng Hai, theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Trong một báo cáo mới công bố, WGC cho biết về số dư, 6 tấn vàng đã chảy ra khỏi kho dự trữ chính thức trong tháng Hai do hoạt động được chi phối, nhưng chỉ là một số ngân hàng trung ương.

Mặc dù các ngân hàng trung ương đã bán ròng vàng trong hai tháng đầu năm 2022, các nhà phân tích tại WGC đã nói rằng, họ kỳ vọng các ngân hàng trung ương cuối cùng sẽ mua ròng vàng. Theo nhiều nhà kinh tế và phân tích thị trường, có một trọng tâm mới là dự trữ ngân hàng trung ương. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự bất ổn địa chính trị đáng kể, khiến một số quốc gia đặt câu hỏi về vai trò của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Nhiều nhà phân tích đã nói rằng, vàng dài hạn vẫn là một tài sản hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa khỏi đồng USD. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế khẳng định, phải mất nhiều thập kỷ trước khi USD mất vị thế thống trị, vì nó hiện chiếm khoảng 60% dự trữ toàn cầu.