Giá vàng hôm nay 7/4, Giá vàng dò dẫm mất phương hướng, SJG hụt hơi, động thái của Nga có thể làm ‘nổ tung’ thị trường vàng? (Nguồn: News18) |
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 7/4
Mở cửa phiên 6/4, giá vàng trong nước giảm 100 nghìn đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,1 - 68,77triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm trước.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước, niêm yết ở mức 68,1- 68,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,2 - 68,85 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), không đổi so với chốt phiên ngày hôm trước.
Trên thị trường châu Á, trong phiên giao dịch chiều 6/4, giá vàng đi xuống, sau khi đồng USD và lợi suất trái phiếu lên mức cao trong nhiều năm.
Vào lúc 13h12’ giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.918,74 USD/ounce.
Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h10’ ngày 6/4, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.929,3 - 1.930,3 USD/ounce, tăng 6,1 USD/ounce so với phiên trước đó.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 6/4:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,15 – 68,8 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,0 – 68,7 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,05 – 68,7 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,2 – 68,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,06 – 68,69 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,74 – 55,44 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 53,75 – 55,25 triệu đồng/lượng.
Vàng vẫn "sáng cửa" để đầu tư
Giá vàng thế giới có xu hướng giảm nhẹ trong những giao dịch không ổn định vào đầu phiên 6/4 khi đồng USD mạnh và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất một cách mạnh mẽ.
Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.921,60 USD/ounce vào lúc 8h sáng EDT (12h00 GMT). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% ở mức 1.924,40 USD/ounce.
Vàng chạm mức thấp nhất kể từ ngày 29/3, động thái diễn ra một ngày sau khi bình luận của Thống đốc Fed Lael Brainard củng cố kỳ vọng về hành động mạnh mẽ của ngân hàng trung ương Mỹ nhằm kiềm chế lạm phát.
Phát biểu của bà Brainard đã đẩy đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc lên mức cao nhất trong nhiều năm, làm giảm sức hút của vàng.
Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào chiều ngày 6/4 (18h00 GMT).
Han Tan, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Exinity cho biết: "Vàng có thể giảm trở lại vùng dưới 1.900 USD/ounce nếu biên bản của FOMC hoặc phát biểu của Fed trong những ngày tới đưa ra nhiều manh mối diều hâu hơn".
Lãi suất Mỹ tăng và lợi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi, vốn cũng được sử dụng như một hàng rào chống lại lạm phát.
Ông Tan nói thêm: “Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt tiếp tục áp đặt lên Nga làm gia tăng áp lực lạm phát và làm trầm trọng thêm triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ hỗ trợ đáng kể cho giá vàng giao ngay”.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: "Vẫn còn một số điều có thể kích hoạt một đợt tăng giá khác của vàng, đó là việc lạm phát tiếp tục tăng vượt quá dự đoán hiện tại, cuộc đàm phán Nga-Ukraine sụp đổ hoặc không có kết quả nào tích cực”.
Trước đó, nhà phân tích Matt Simpson, thuộc công ty dịch vụ tài chính City Index, nhận định, sự mạnh lên của đồng USD và sự sụt giảm nhu cầu đối với các tài sản an toàn đã làm lu mờ sức hấp dẫn của vàng.
Đồng USD đã leo lên mức cao nhất trong gần hai năm, khi các quan chức Fed đánh đi tín hiệu về việc đẩy nhanh thu hẹp bảng cân đối kế toán và tiếp tục tăng lãi suất.
Đà tăng của đồng USD khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng chạm mức cao trong nhiều năm. Theo các chuyên gia, vàng tỏ ra nhạy cảm với các đà tăng lãi suất cũng như lợi suất trái phiếu.
Liên quan thị trường vàng, tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga (BOR) đã quyết định tiếp tục mua vàng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Nga mua vàng với mức giá ấn định là 5.000 Ruble/gram (khoảng 59 USD/1 gram) trong thời gian từ ngày 28/3-30/6.
Bằng cách mua vàng với mức giá ấn định trên, BOR đã liên kết cả đồng Ruble với vàng và vì vàng được giao dịch bằng USD nên đã đặt mức giá sàn cho đồng Ruble theo đồng USD.
Theo nhà phân tích kim loại quý Ronan Manly tại BullionStar Singapore, bằng cách bắc cầu, tức là liên kết đồng Ruble với vàng và sau đó liên kết thanh toán năng lượng với đồng Ruble, Nga đang thay đổi cơ bản toàn bộ các giả định hoạt động của hệ thống thương mại toàn cầu trong khi đẩy nhanh sự thay đổi trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Việc người mua tìm kiếm vàng vật chất để trả cho hàng hóa thực chắc chắn có thể làm nổ tung thị trường vàng của LBMA và COMEX.
Theo nhà phân tích Ronan Manly, chốt cố định giữa đồng Ruble và vàng đặt tỷ giá Ruble /USD nhưng cũng là giá vàng/USD. Trong khi nhu cầu tăng đối với đồng Ruble sẽ tiếp tục củng cố tỷ giá Ruble /USD, nếu Nga bắt đầu chấp nhận thanh toán dầu bằng vàng thì đây sẽ là một sự thay đổi mô hình mới cho giá vàng vì nó sẽ liên kết trực tiếp giá dầu với giá vàng.
Ông Ronan Manly lấy ví dụ, Nga có thể bắt đầu bằng cách chấp nhận 1 gram vàng cho mỗi thùng dầu. Không nhất thiết phải là 1 gram nhưng sẽ phải là một ưu đãi chiết khấu so với giá dầu hiện tại.
Sau đó, người mua sẽ tranh nhau mua vàng để thanh toán tiền dầu cho Nga, điều này sẽ tạo ra sự căng thẳng lớn trên thị trường vàng ở London và New York.