KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 7/6, Vàng bất ngờ đảo chiều, Czech sẽ tăng 10 lần số vàng dự trữ, Nga có ‘giấc mơ viển vông’ với chế độ bản vị vàng? vàng SJC giảm

Kỳ Văn

Giá vàng hôm nay 7/6 tăng nhẹ, có vẻ như thị trường đã tạm dừng một chút để chờ đợi động lực chính tiếp theo. Ngân hàng quốc gia Czech cho biết có kế hoạch tăng lượng vàng dự trữ lên gần gấp 10 lần hiện tại. Chuyên gia nói việc áp dụng chế độ bản vị vàng của Nga là nhiệm vụ bất khả thi. Vàng SJC giảm nhẹ.

Giá vàng hôm nay 7/6, Giá vàng bất ngờ đảo chiều, Czech sẽ tăng 10 lần số vàng dự trữ, Nga có ‘giấc mơ viển vông’ với chế độ bản vị vàng? SJC giảm. (Nguồn: Getty)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 7/6

Mở cửa giao dịch sáng 6/6, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,65 - 69,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 170 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.

Cũng tại Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,7 - 69,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần qua.

Trên thị trường châu Á, giá vàng ổn định trong phiên 6/6 sau khi giảm 1% trong phiên trước.

Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.850,6 USD/ounce vào lúc 7h41’ trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2%, lên 1.853,6 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h09’ ngày 6/6, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.857,7 - 1.858,7 USD/ounce, tăng 3,6 USD/ounce so với phiên trước đó.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều 6/6:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,6 – 69,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,6 – 69,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,7 – 69,5 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,6 – 69,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,72 – 69,48 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,02 – 54,72 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,2 – 54,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng trước dữ liệu lạm phát tại Mỹ


Giá vàng thế giới tăng vào phiên giao dịch thứ Hai, được hỗ trợ bởi đồng USD giảm nhẹ, trong khi các nhà đầu tư đang theo dõi dữ liệu lạm phát của Mỹ và các cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về lộ trình tăng lãi suất.

Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.853,89 USD/ounce vào lúc 10h33 GMT, sau khi trượt khỏi mức cao nhất trong một tháng là 1.873,79 USD/ounce vào thứ Sáu tuần trước. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.856,80 USD/ounce.

Chỉ số USD giảm 0,2%, khiến vàng rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: “Có vẻ như thị trường đã tạm dừng một chút để chờ đợi động lực chính tiếp theo. Dữ liệu lạm phát của Mỹ vào thứ Sáu tuần này sẽ rất quan trọng... Nếu có tín hiệu cho thấy lạm phát trong tháng này đang giảm chậm hơn dự kiến, điều đó có thể thực sự làm suy giảm tâm lý một lần nữa".

Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, mặc dù lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không có lãi suất.

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên 0,7% trong tháng 5 sau khi tăng 0,3% trong tháng 4.

Trong khi Fed đang có dự định về các đợt tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại các cuộc họp chính sách tháng 6 và tháng 7, chỉ số lạm phát cao sẽ làm tăng thêm kỳ vọng về việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nay.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ nhóm họp vào thứ Năm tới, trong khi các cuộc họp của Fed và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ diễn ra vào tuần tới.

Các nhà đầu tư đã đặt cược vào việc tăng lãi suất của ECB trong năm nay và định giá trong một đợt tăng lớn hơn, khoảng 50 điểm cơ bản vào tháng 10.

Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, về mặt kỹ thuật, vàng giao ngay có thể kiểm tra lại ngưỡng kháng cự ở mức 1.867 USD/ounce, phá vỡ mức này có thể dẫn đến tăng lên 1.879 USD.

Czech có kế hoạch tăng mạnh lượng vàng dự trữ
Theo Kitco News, Thống đốc mới của Ngân hàng quốc gia Czech (CNB) Aleš Michl cho biết, ông có kế hoạch tăng lượng vàng dự trữ của tổ chức này lên 100 tấn, gần gấp 10 lần mức hiện tại (11 tấn), đồng thời sẽ yêu cầu nhóm quản lý dự trữ ngoại hối của ngân hàng đầu tư vào cổ phiếu.

CNB hy vọng sẽ tăng lượng vàng dự trữ từ 11 tấn hiện tại lên 100 tấn hoặc thậm chí hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ được thực hiện dần dần theo lộ trình.

Với kế hoạch này, dường như CNB đang theo bước các ngân hàng trung ương châu Âu khác trong việc tích trữ nhiều vàng hơn. Ví dụ, ngân hàng trung ương Hungary tiết lộ vào năm 2018 rằng họ đã tăng lượng vàng dự trữ lên gấp 10 lần trong khi ngân hàng trung ương Ba Lan được cho là cũng làm điều tương tự vào năm 2019.

Thống đốc Michl nói "Đúng, biến động lợi nhuận sau đó sẽ cao hơn - đó là rủi ro. Nhưng lợi nhuận dự kiến, về lâu dài, cũng sẽ cao hơn.

Cùng với các đồng nghiệp CNB của chúng tôi là Michal Škoda và Tomáš Adam, chúng tôi đang cố gắng tính toán rủi ro này như một phần của dự án nghiên cứu. Tầm nhìn của tôi là tạo ra một CNB có lợi nhuận lâu dài".

Vàng đang giao dịch ở mức khoảng 1.850 USD/ounce vào đầu tuần này. Trong khoảng ba tuần qua, giá vàng ở trong xu hướng đi ngang.

Nga không thể áp dụng chế độ bản vị vàng


Trong khi đó, trong một bài viết trên Kitco News, Jeff Christian - Giám đốc điều hành của CPM Group và Gary Wagner - Biên tập viên của TheGoldForecast.com nhận định, Nga đã không trở lại chế độ bản vị vàng trong bối cảnh xung đột với Ukraine.

Theo các tác giả, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thực hiện tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Canada gần đây đã quyết định tăng lãi suất lên 1,5%.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn tương đối đi ngang bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ. Christian không ngạc nhiên khi giá kim loại quý không thay đổi nhiều.

Ông nói: “Trong lịch sử, lãi suất thấp, thậm chí là âm vẫn xuất hiện trên cơ sở điều chỉnh lạm phát… Ngoài ra, việc tăng lãi suất phản ánh những lo ngại về lạm phát, điều này có tác động tích cực đến giá vàng”.

Christian nhận xét rằng "sự biến động và không chắc chắn" ngày càng tăng là xu hướng tăng giá đối với vàng.

Trong khi đó, Wagner nói thêm, việc bán tài sản của Fed sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về vàng.

Trước đó, vào tháng 3/2022, người đứng đầu Quốc hội Nga Pavel Zavalny nói rằng, các quốc gia có thể thanh toán hóa đơn mua năng lượng Nga bằng vàng. Tuy nhiên, theo Christian, tuyên bố trên ngụ ý việc Moscow trở lại chế độ bản vị vàng là một "giấc mơ viển vông của Nga".

Ông nói: “Thực tế là không ai thực sự được trả bằng vàng, hoặc bằng Ruble. Công ty năng lượng Gazprom của Nga chỉ đơn giản là chấp nhận thanh toán bằng đồng Euro và chuyển đổi chúng sang đồng Ruble”.

Ông nói thêm rằng việc chốt 5.000 Ruble cho 1 gram vàng là "không chính xác". Christian cho biết, trong những ngày đầu của cuộc xung đột Ukraine, "có nhu cầu rất lớn đối với vàng từ các nhà đầu tư bên trong nước Nga và họ đang phải trả một khoản cao hơn so với giá thế giới. 5.000 Ruble/gram là mức chiết khấu so với giá thế giới.

Vì vậy, các nhà lọc dầu đã nói rằng, tại sao chúng tôi lại bán chiết khấu cho ngân hàng trung ương… khi chúng tôi có thể nhận được phí bảo hiểm bằng cách bán cho các nhà đầu tư sẽ mua vàng từ các nhà sản xuất trong nước với giá thỏa thuận.

Wagner cho rằng việc quay trở lại chế độ bản vị vàng sẽ là một nhiệm vụ khó và bất khả thi: "Chúng ta có thể quay trở lại bản vị vàng vàng đã được sửa đổi không? Có thể được. Nhưng tôi không tin rằng bất kỳ quốc gia nào có khả năng hỗ trợ tiền tệ của họ bằng vàng. Điều đó sẽ mất quá nhiều vàng".

Christian nói thêm: "Điều gì đã xảy ra trong quá khứ? Vào những năm 1960, Mỹ đã mất 60-70 triệu ounce vàng với giá cố định. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã chạy đua khi họ áp dụng chế độ bản vị vàng".