KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 7/7: Tăng mạnh bất ngờ, không phải vàng, đây mới là tài sản đầu tư có lãi

Kỳ Văn

Đúng như dự báo, sau nhiều phiên lình xình lên xuống trong biên độ hẹp, cuối phiên chiều qua (6/7) giá vàng thế giới bất ngờ có phiên tăng mạnh, có lúc vượt ngưỡng 1.800 USD. Đáng tiếc, thị trường không đính được mức giá này lâu hơn. Giá vàng SJC trong nước không biến động mạnh.

Giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco dù vẫn đang trong xu hướng tăng, nhưng không còn tăng mạnh. (Nguồn: Kitco)

Cập nhật giá vàng hôm nay 7/7

Trong phiên giao dịch chiều ngày thứ Ba (6/7), sau hàng loạt tin tức hỗ trợ, giá vàng thế giới bất ngờ tăng gần 20 USD/ounce, vượt qua ngưỡng 1.800 USD, lên 1.810,2 USD/ounce. Đồng USD tiếp tục giảm từ đỉnh 3 tháng xác lập vào cuối tuần trước, vì báo cáo bảng lương yếu của Mỹ.

Giá vàng thế giới đã neo gần đỉnh 2 tuần nhờ đồng USD suy yếu, trong khi giới đầu tư chờ đợi biên bản họp từ cuộc họp chính sách tháng 6 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để rõ hơn về chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Bởi vậy, ngưỡng 1.800 USD mong manh đã lại nhanh chóng bị phá vỡ.

Ghi nhận của TG&VN, lúc 1h05 ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco dù vẫn đang trong xu hướng tăng, nhưng không còn tăng mạnh, hiện niêm yết tại 1.795,3 USD/ounce tăng 3,6 USD so với phiên liền trước.

Giá vàng thế giới tăng mạnh, nhưng giá vàng trong nước không biến động lớn. Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 6/7, giá vàng SJC tiếp đà đi lên, nhưng chỉ tăng thêm 50.000 - 70.000 đồng/lượng tại nhiều địa điểm kinh doanh trên cả nước.

Giá bán vàng SJC niêm yết tại Công ty VBĐQ Sài Gòn chỉ tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua và bán, niêm yết tại 56,80 - 57,40 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng có điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán, đóng cửa tại 56,84 - 57,34 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh tăng lên 51,58 - 52,18 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,85 - 51,95 triệu đồng/lượng.

Vàng không phải là phương tiện lưu trữ giá trị tối ưu?

Các chuyên gia nhận định, việc giá vàng thế giới có tiếp tục vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce hay không còn là câu hỏi khó. Trong tuần này, giới đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed dự kiến được công bố vào thứ tư để đoán định hướng đầu tư.

Nếu có bất kỳ một sự khác biệt nào trong biên bản này so với những gì các quan chức Fed đã tuyên bố đều có thể khiến thị trường tài chính biến động mạnh.

Goldman Sachs vừa đưa ra một báo cáo kết luận rằng, vàng không phải là phương tiện tích trữ giá trị tối ưu để chống lại lạm phát hoặc giảm phát.

Trong báo cáo, chuyên gia Sharmin Mossavar-Rahmani và nhóm các nhà nghiên cứu lưu ý, "không thể bỏ qua sự trỗi dậy của ngành công nghiệp tiền điện tử".

Nhóm nghiên cứu cho biết, số lượng tiền điện tử đã tăng từ khoảng 2.000, với vốn hóa thị trường hơn 200 tỷ USD vào cuối năm 2017, lên hơn 8.000, với vốn hóa thị trường khoảng 1,6 nghìn tỷUSD. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của chứng khoán toàn cầu là khoảng 110 nghìn tỷ USD, của cổ phiếu S&P 500 là 35 nghìn tỷ USD và của Kho bạc Mỹ là 22 nghìn tỷ USD.

Số liệu mà các nhà nghiên cứu của Goldman Sachs thu thập được cũng rất ấn tượng: "Khối lượng giao dịch được báo cáo bằng tiền điện tử, được đại diện bởi hai loại tiền điện tử lớn nhất theo vốn hóa thị trường, đã tăng gấp 6 lần, từ ước tính 6,8 tỷ USD/ngày vào cuối năm 2017 lên 48,6 tỷ USD/ngày vào tháng 5/2021 . "

Vàng lâu nay vẫn được coi là tài sản cần thiết để bảo vệ chống lại tác động lạm phát từ các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) và do đó , nó chống lại khả năng giảm giá của đồng USD.

Nay lập luận về vàng trong hậu quả của GFC giống hệt với lập luận về tiền điện tử (được một số người khéo léo tiếp thị là "vàng kỹ thuật số") do hậu quả của đại dịch.

Goldman Sachs khuyến nghị không phân bổ tổng hợp vàng, dầu hoặc hàng hóa, cho thấy rằng, chúng không phải là "hàng rào chống lạm phát", thậm chí, vàng không phải là tài sản lưu trữ giá trị tốt nhất. Chỉ số S&P 500 đã vượt qua vàng 327 điểm phần trăm, tương đương 10,7 điểm phần trăm/năm, trong 11,5 năm qua.

Còn việc nắm giữ tiền điện tử như một giải pháp thay thế cho việc nắm giữ vàng thì sao? các nhà phân tích thừa nhận, Bitcoin cũng không hoàn hảo. "Chúng tôi cũng không tin Bitcoin là một kho lưu trữ giá trị lâu dài hoặc một loại tài sản có thể đầu tư cho các danh mục đầu tư đa dạng. Tương tự như vậy, chúng tôi không tin, vàng là một loại tài sản có thể đầu tư như một kho lưu trữ giá trị", các chuyên gia của Goldman Sachs nói. "Tần suất và mức độ giảm giá của Bitcoin là quá cao để tạo ra sự an tâm mà một kho lưu trữ giá trị nên cung cấp."

Về việc nắm giữ vàng, lâu nay vàng vẫn là một kho lưu trữ giá trị dài hạn. Kể từ khi ra đời dữ liệu định giá, vàng đã mang lại lợi nhuận thực tế hàng năm là 1%, hầu như không vượt trội so với lạm phát. Điều chỉnh đối với chi phí lưu trữ và bảo hiểm, lợi nhuận vượt quá ước tính giảm xuống 0.

Theo phân tích của Goldman Sachs, loại tài sản duy nhất phòng ngừa lạm phát đáng tin cậy là cổ phiếu Mỹ. Chứng khoán Mỹ đã vượt trội hơn lạm phát 100% trong thời gian qua. Vàng chỉ vượt trội hơn lạm phát khoảng 50% trong thời gian 19 năm. Vì vậy, sở hữu cổ phiếu Mỹ là một biện pháp phòng ngừa lạm phát dài hạn tốt hơn.

Cuối cùng, trong ngắn hạn, chứng khoán của Mỹ vẫn cho thấy sự vượt trội hơn vàng trong hầu hết các giai đoạn lạm phát tích cực.