KINH TẾ

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam: Dịch bệnh qua đi, Việt Nam sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng!

Admin

Dù các hoạt động kinh tế có suy giảm và còn nhiều rủi ro từ đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

COVID-19 gây ảnh hưởng sâu rộng

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ… đều bị hạn chế vì nhiều quốc gia phải ban bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế tiếp xúc xã hội để hạn chế sự lây lan của bệnh dịch. Nhân loại đang phải chứng kiến những tổn thất khủng khiếp về sinh mạng, cũng như những thiệt hại to lớn về kinh tế do đại dịch này gây ra.

Về phương diện kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Covid-19 đã gây ra những thiệt hại còn tồi tệ hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã xảy ra cách đây hơn 2 thập niên. Đại dịch có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới đến bờ một cuộc đại suy thoái.

Ở phạm vi khu vực, đại dịch đã tác động đáng kể đến các nền kinh tế châu Á đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng trên nhiều phương diện, bao gồm giảm mạnh nhu cầu trong nước, du lịch và kinh doanh du lịch, liên kết sản xuất và thương mại, gián đoạn cung ứng và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh và tiếp theo đó là các tác động giảm mạnh về cầu vẫn đang diễn ra tại các quốc gia là đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam, trong quý I/2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm đáng kể xuống mức 3,8% so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại.

Mặc dù có nhiều khó khăn trong thời gian đầu, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn duy trì được sản xuất, chủ yếu dựa vào nguyên vật liệu tồn kho. Tuy nhiên, nguồn vật liệu này cũng đang cạn dần. Sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, do nhu cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ, khu vực bị tác động nhiều nhất của đại dịch, giảm xuống chỉ còn 3,2% trong quý I/2020 so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2019.

Nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn được duy trì

Việt Nam đang gồng mình chống lại tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và ngay sau đấy là các tác động đến từ việc giảm mạnh về cầu vẫn đang diễn ra tại các quốc gia đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt của Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, ADB đã dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8%.

Tuy nhiên, nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021- theo như dự báo của ADB trước khi xảy ra Covid-19 - và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.

Để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đầu tháng 3/2020, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP), bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm các loại lãi suất và phí. Chính phủ cũng đưa ra 2 gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD, bao gồm giảm các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời giãn thời hạn nộp thu. Dự tính, các hỗ trợ về ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng. Lạm phát thấp và ổn định, cho phép NHNN cắt giảm lãi suất điều hành. NHNN cũng đã cắt giảm các lãi suất chính sách từ 0,5-1%, hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới 6 tháng và hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với những lĩnh vực ưu tiên. Việc cắt giảm lãi suất đã củng cố thêm niềm tin thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị đẩy mạnh phát triển sau khi chấm dứt đại dịch.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng các động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam - tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động - vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện. Chi tiêu công ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đang là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên mà Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành và địa phương trong năm nay.

Cơ hội rộng mở cho Việt Nam

Bên cạnh những khó khăn và thách thức, cơ hội cũng đang mở ra đối với Việt Nam. Một loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đã và sẽ có hiệu lực, hứa hẹn gia tăng khả năng tiếp cận thị trường, sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại.

Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc khống chế được Covid-19 mà nhờ đó, hoạt động thương mại xuất - nhập khẩu với thị trường lớn này đang từng bước khôi phục trở lại. Việc phục hồi tăng trưởng trở lại của Trung Quốc sẽ góp phần khôi phục lại chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhìn ở một góc độ khác, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập nền kinh tế toàn cầu và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trên chuỗi giá trị gia tăng từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp nhẹ và tiếp theo là sản xuất hàng điện tử. Những năm gần đây, Việt Nam nhanh chóng nổi lên như một trung tâm quan trọng trong chuỗi giá trị ở Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử và phần cứng cho công nghệ thông tin và truyền thông.

Theo thống kê, trong năm 2018, Việt Nam đã có 38.861 công ty công nghệ thông tin và truyền thông và đang có hơn 2.000 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Đầu tư của các công ty đa quốc gia lớn và các nhà đầu tư nước ngoài khác trong lĩnh vực này đã minh chứng cho phần lớn sự tăng trưởng nhanh chóng này.

Bên cạnh đó, các công ty trong nước cũng đang phát triển nhanh chóng, đáng chú ý là lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính (fintech). Về phần mình, Chính phủ đã áp dụng các chính sách và quy định mới để khuyến khích xu hướng phát triển này. Sự phát triển của nền kinh tế số mang lại cơ hội mới cho những việc làm có hàm lượng tri thức cao.

Việt Nam xếp thứ 42 trong số 129 quốc gia về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2019, kề vai với các nền kinh tế hàng đầu được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Bảng xếp hạng này phản ánh kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu công nghệ thông tin và truyền thông cao.

Việt Nam có những lợi thế khác cho phép cải thiện hơn nữa về chỉ số này, đó là nền giáo dục tiểu học và trung học cơ sở có chất lượng, dân số trẻ, lao động dồi dào và tín dụng phong phú. Đảm bảo sinh viên mới tốt nghiệp ngày càng nhiều hơn và chất lượng cao hơn là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể đạt được bước nhảy vọt trong đổi mới công nghệ.

Dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn thế giới. Để đáp ứng nhu cầu trước mắt của các quốc gia thành viên đang phát triển khi phải ứng phó với đại dịch Covid-19, đầu tháng 4/2020, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa đã công bố gói hỗ trợ trị giá 20 tỷ USD và phê chuẩn các biện pháp đẩy nhanh giải ngân.

Trong các cuộc điện đàm gần đây về các phương án hỗ trợ tài của ADB với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, ông Asakawa đã khẳng định, ADB sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách để giúp Chính phủ Việt Nam chặn đứng sự lây lan của Covid-19. ADB sẽ cân nhắc tất cả các giải pháp, gồm cả giải ngân nhanh hỗ trợ ngân sách, cho vay chính sách và đẩy nhanh giải ngân các khoản vay hiện tại, để bảo đảm rằng, mọi gói hỗ trợ có thể được phê duyệt nhanh chóng và được giải ngân một cách kịp thời.

ADB và các đối tác phát triển khác đánh giá cao những hành động kịp thời và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chống lại đại dịch, đặc biệt là những chỉ đạo, điều hành với mục tiêu vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa chú trọng duy trì ổn định kinh tế và tăng trưởng trong trung và dài hạn, bao gồm thông qua mở rộng chi đầu tư công và tăng cường các mạng lưới an sinh xã hội cho các hộ gia đình nghèo và dễ tổn thương.

Theo Enternews