TIÊU ĐIỂM

Hà Nội bỏ quy định người đi đường "phải có lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị"

Kỳ Văn

UBND TP. Hà Nội ngày 10/8 vừa có thông báo về việc triển khai các chỉ đạo tại Công văn "siết chặt cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội".

Sau khi ban hành công văn "siết chặt cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội" tối 8/8, sáng hôm sau xảy ra hiện tượng ùn ứ, tập trung đông người tại một số chốt kiểm soát.

Một số nội dung chưa được các cơ quan, đơn vị thống nhất cách hiểu, dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai tại các địa bàn và tiếp thu ý kiến phản hồi từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, UBND TP ngày 10/8 làm rõ và yêu cầu thực hiện việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội như sau:

- Người đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường (mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021).

Bỏ quy định phải có lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Người dân xếp hàng nhiều giờ đồng hồ tại UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy chiều 9/8 xin xác nhận Giấy đi đường của phường (Ảnh: Đinh Huy)

- Đối với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và thuộc thành phố; Cơ quan ngoại giao, Tổ chức quốc tế; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội: Người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.

- Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn thành phố: Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch.

Để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về giãn cách của các đơn vị trên địa bàn và tiến hành hậu kiểm khi cần thiết, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông trên đường, kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo các yêu cầu và quy định về phòng chống dịch và gửi đến UBND cấp phường, xã để được xác nhận (người đi đường không cần xuất trình các giấy tờ này).

Việc xác nhận của UBND cấp phường, xã cần được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, theo hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở.

Đối với các trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động cần bố trí nhiều lao động đến làm việc, UBND cấp phường, xã chủ động phối hợp, cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với đơn vị tại địa điểm để thống nhất phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng chống dịch và xác nhận danh sách người lao động cần lưu thông trên đường, làm cơ sở để Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị cấp Giấy đi đường cho người lao động.

Các lực lượng, các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát và liên thông thông tin để phát hiện, nhắc nhở, kiến nghị xử lý các đơn vị cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng, không đúng mục đích trong thời gian giãn cách. Yêu cầu các lực lượng thực hiện tốt, linh hoạt, tránh gây ùn tắc, mất an toàn trong phòng, chống dịch và trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND cấp quận, huyện, cấp phường, xã không được quy định phát sinh thêm các thủ tục, giấy tờ gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm, trường hợp có khó khăn vướng mắc cần kịp thời báo cáo UBND thành phố để xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Tối qua, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, kiểm tra giấy đi đường không phải để phạt người dân mà làm căn cứ để phát hiện và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

Các chốt kiểm tra nếu phát hiện các trường hợp sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, cần thông tin đến Công an phường, xã, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức xác nhận giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.

Hà Nội kiên quyết và kiên trì các biện pháp mạnh nhằm đảm bảo nguyên tắc giãn cách theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Trước đó, từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, trong công điện hỏa tốc số 18, kéo dài thời gian đến 6h ngày 23/8. Sau 2 tuần, thành phố đánh giá một trong những hạn chế lớn nhất là nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm. Số người ra đường còn đông, trong đó không ít trường hợp không đúng đối tượng, không đúng mục đích.

Sáng nay, Hà Nội ghi nhận thêm 14 ca mắc, trong đó 11 người trong khu cách ly và 3 người ngoài cộng đồng, thuộc 2 chùm ca bệnh hiện hành. Như vậy, đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4, thành phố có tổng 1.867 ca, trong đó 1.098 người ngoài cộng đồng và 769 người trong khu cách ly tập trung. Tính riêng từ ngày 5/7 đến sáng 10/8 có 1.598 trường hợp.