PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ủy viên Thường trực Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. |
UNESCO vừa chính thức trao Bằng ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện văn hóa quan trọng này?
Di sản văn hóa phi vật thể Xòe Thái là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng người Thái sinh sống lâu đời ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc và được cộng đồng người Thái không ngừng tái tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái không chỉ là cơ hội cho Việt Nam quảng bá các di sản của mình ra thế giới mà còn giúp cho cộng đồng nhận thức rõ hơn về giá trị, vai trò của di sản để có ứng xử phù hợp với di sản, giúp cho di sản có những đóng góp vào đời sống văn hóa, kinh tế của cộng đồng và xã hội.
Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, di sản văn hóa nói chung có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị du lịch và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đâu là những giải pháp cấp thiết vừa phát huy giá trị di sản trong đời sống, vừa bảo vệ loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc Thái, thưa bà?
Để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, thực hiện cam kết với UNESCO, Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái.
Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau:
Duy trì và khuyến khích các nghệ nhân, các thành viên cộng đồng thường xuyên tổ chức thực hành và truyền dạy Xòe tại nhà, trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa văn nghệ tại địa phương, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia; giới thiệu và truyền dạy múa Xòe, thành lập các đội văn nghệ, trong đó có múa Xòe, tại các trường học ở địa phương với sự phối hợp giữa nghệ nhân và nhà trường nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong cuộc sống và trong phát triển bền vững;
Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái; hỗ trợ xuất bản những công trình sưu tầm, nghiên cứu về Xòe Thái nhằm phổ biến tri thức và sự hiểu biết về Xòe; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật Xòe Thái nhằm bảo vệ và phát huy các truyền thống văn hóa, giáo dục giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật của di sản;
Hỗ trợ cộng đồng phục hồi những lễ hội, nghi lễ có Xòe, các điệu Xòe truyền thống; tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản Nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương;
Tiếp tục đề nghị phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho các cá nhân tiêu biểu; tôn vinh, khen thưởng, đội văn nghệ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái;
Phối hợp với các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu tổ chức các chương trình giới thiệu và quảng bá về giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Trên cơ sở Chương trình Hành động quốc gia, UBND các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái xây dựng đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của chương trình.
Màn biểu diễn nghệ thuật tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái. (Ảnh: Khánh Ngô) |
Một thách thức cho việc gìn giữ di sản hiện nay ở các vùng dân tộc thiểu số là các nghệ nhân đã cao tuổi hoặc gặp khó khăn trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Chúng ta cần làm gì để khắc phục điều này?
Ở phương diện vinh danh nghệ nhân, chúng ta đã có danh hiệu vinh dự Nhà nước để phong tặng cho những người thực hành, nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể. Các chính sách về tôn vinh và chế độ đãi ngộ này thể hiện sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Trong quá trình sửa Luật Di sản văn hóa tới đây, chúng tôi cũng đang đề xuất chính sách đối với nghệ nhân nói chung, không chỉ là với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Song hành với đó là triển khai các đề án, dự án để hỗ trợ trao truyền cho thế hệ trẻ, thực hành, đãi ngộ thường xuyên đối với nghệ nhân, để họ yên tâm thực hành nghề, phát huy trí tuệ, hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật, góp phần không chỉ vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản họ đang nắm giữ mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung.