ĐỜI SỐNG

Hương Giang đến tận nhà antifan chất vấn vì bị gọi là 'phò'

Admin

Hương Giang tìm đến tận nhà antifan để chất vấn vì có hành vi xúc phạm, bôi nhọ hình ảnh cô trên mạng xã hội.

Hương Giang tìm đến nhà, chất vấn trực tiếp với antifan ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Sau khi tuyên bố giải quyết đến cùng việc bị nhóm "Anti Nữ hoàng đạo lý" kêu gọi tẩy chay, xúc phạm danh dự, Hương Giang tiếp tục gây "bão" khi tung video mới. Trong clip có độ dài gần 18 phút, nữ ca sĩ đến tận nhà antifan để đối chất, làm rõ hành vi của một trong những người tấn công cô trên mạng xã hội, trước sự chứng kiến và ghi nhận sự việc của một người mặc sắc phục công an.

Được biết, antifan này sống cùng chung cư và từng gặp Hương Giang trong thang máy. Phía này cho rằng giọng ca Anh ta bỏ em rồi “chảnh”, thái độ kênh kiệu nên đã dùng những lời lẽ thiếu văn minh để bình phẩm về nữ nghệ sĩ trong một bài viết thuộc hội anti. Trong đó, thông tin Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2018 từng “làm phò” để có tiền chuyển giới khiến Hương Giang bức xúc.

Hình ảnh các nhân vật liên quan trong clip đều được làm mờ. Nữ ca sĩ cho biết muốn giữ sự riêng tư cho các nhân vật ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Hương Giang cho rằng đây là những thông tin bịa đặt, xúc phạm danh dự cô: “Tất cả chỉ là cảm giác của chị. Em chưa hề nói một lời nào là chị đi ra khỏi thang máy này, hay là em không muốn đi cùng với chị. Mỗi người có một cuộc đời, ngày xưa em nghèo, gia đình không có tiền. Em khổ sở khi sinh ra ở một giới tính không phải của mình. Em chưa làm gì phạm pháp. Em không bán dâm mà chị nói em làm “phò”. Sự thật ở đâu ra? Chị có tóm được em là em đi bán dâm hay không?”.

Chưa dừng lại ở đó, Hương Giang tiết lộ thông tin từng “cặp kè” đại gia trước đó: “Ngày xưa em nghèo, bố mẹ em không có tiền và cũng không cho em đi chuyển giới. Nếu thực sự có tiền thì không ai đi làm công việc ấy hết. Nhưng đó cũng là một người rất tốt, họ cho em cơ hội. Họ muốn nghe em hát. Họ muốn em đi ăn cùng để trò chuyện với họ. Rồi họ động viên, cho em tiền. Chị nói em làm phò? Thực sự… hồi đó em làm gì có đủ cấu tạo cơ thể để làm phò với ai?”.

Hương Giang đề nghị làm hòa, xóa hiềm khích với antifan ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Trước sự việc, người công kích nữ nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi, thừa nhận bản thân sai khi đưa thông tin xấu về Hương Giang. Theo nội dung trong video, người mặc sắc phục công an đã lập biên bản và yêu cầu người phụ nữ cam kết không tái phạm vụ việc. Sau đó, Hương Giang cùng người này trò chuyện, chia sẻ quan điểm. Cuối cùng, nữ nghệ sĩ quyết định làm hòa bằng cái ôm và lên tiếng xóa bỏ hiềm khích với người công kích mình.

Ngoài ra, trước làn sóng chỉ trích, ngờ vực vì tính minh bạch của video, phía Hương Giang cũng thẳng thắn lên tiếng giải thích. Đầu tiên, cô chú thích rằng buổi làm việc diễn ra tại nhà người phụ nữ thay vì ở phường là do phía này có con nhỏ, đề nghị làm việc tại nhà. Thứ hai, việc dùng hiệu ứng che mờ các nhân vật để đảm bảo sự riêng tư, an toàn của những người liên quan. Đồng thời, cô khẳng định mọi thông tin đăng tải trong video đều là sự thật, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu là dàn dựng.

Hương Giang mời công an đến chứng kiến, ghi nhận sự việc có đúng luật?

Sau khi video đối chất với antifan có sự chứng kiến của người mặc sắc phục công an được Hương Giang đăng tải, cộng đồng mạng dậy sóng, đặt nghi vấn về vụ việc. Chia sẻ về trường hợp của Hương Giang, ông Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết Hương Giang có quyền nhờ cơ quan công an ghi nhận sự việc.

Ông Trần Minh Hùng phân tích: "Theo quy định, cụ thể Nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, phường được quy định tại Điều 9 Pháp lệnh công an xã 2008 và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 12/2010/TT-BCA. Cụ thể, công an xã, phường có nhiệm vụ, quyền hạn như bảo vệ giữ gìn trật tự tại cơ quan nhà nước, địa phương do mình quản lý. Bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân tổ chức, bảo vệ an toàn trật tự xã hội tại địa phương nên việc cô này mời công an xuống lập và gi nhận biên bản là không sai quy định”.

Bên cạnh đó, ông Trần Minh Hùng cũng cho biết hành vi bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng, thậm chí có thể phạt tù nếu sự việc nghiêm trọng.

Ông Hùng cung cấp thông tin: “Điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quy định về hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Theo đó, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trường hợp, người vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đối với trường hợp hành vi mang tính chất nghiêm trọng thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội làm nhục người khác được quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trường hợp này, tổ chức, cá nhân có thể bị xử phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm với tình tiết định khung tăng nặng là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.