KINH TẾ

Khi nào nên xuống tiền mua bất động sản?

Admin

Có sự khác nhau trong việc lựa chọn thời điểm để xuống tiền mua bất động sản giữa nhà đầu tư dài hạn và nhà đầu tư lướt sóng.

Tư vấn về việc đầu tư bất động sản, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, cho rằng, hiện nay khi đầu tư phải xác định đầu tư dài hạn. Với các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trong khoảng thời gian 3 -5 năm sẽ chọn lúc thị trường khó khăn, đi xuống để bỏ tiền đầu tư. Còn với những nhà đầu tư lướt sóng thì lại chọn đầu tư khi thị trường đang lên.

"Với các nhà đầu tư cá nhân, chỉ nên mua những vùng nào sẽ có đô thị hóa, sẽ có dân sinh sống và mua phải chấp nhận chờ đợi trong trung và dài hạn thì cơ hội mới lớn", tờ Trí thức trẻ dẫn lời ông Hiển nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, theo vị chuyên gia, nếu có tiền vốn nhàn rỗi thì tiến về vùng lân cận để tìm kiếm các bất động sản giá mềm trên dưới 1 tỷ đồng/sản phẩm là điều hợp lý ở thời điểm này. Tuy vậy, người mua nên nhắm đến các khu vực mà có cơ sở về dân cư sinh sống, có tốc độ đô thị hóa cao.

TS Đinh Thế Hiển nhận định, thị trường bất động sản hiện nay đang đứng trong thế phân vân. Đầu tư vào bất động sản đều có hai xu thế là tâm lý và giá cả. Bất động sản hiện nay nếu là do Covid-19 thì không sợ vì dịch bệnh sẽ qua, còn phát triển bất động sản tầm nhìn từ 5-10 năm thì không đáng lo ngại do dịch. Nhà đầu tư dài hạn họ vẫn xuống tiền và chờ đợi thị trường tốt lên.

Về trung và dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt. Ảnh minh họa

Còn mấu chốt của việc vì sao bất động sản ở giai đoạn này chậm hẳn là bởi đã có thời gian khá dài bất động sản liên tục tăng giá mạnh. Từ năm 2007-2008, bất động sản rất mạnh. 2013 đi xuống đến năm 2014-2015 bắt đầu tăng giá trở lại. Giai đoạn này việc tăng giá được xem là bình thường vì bù lại khoảng thời gian trước đó giá bất động sản bị nén quá lâu, phục hồi tăng là hợp lý.

Thế nhưng, theo ông Hiển, từ năm 2016-2019, giá bất động sản tăng một cách bất hợp lý. Dường như không có miếng đất nào không tăng giá lên gấp 2-3 lần so với một năm trước đó.

"Nguyên tắc của thị trường là khi giá đã tăng một cách đột biến thì cần có thời gian để đi ngang. Phải qua năm 2021 thì mới có thể tăng lại một cách hợp lý", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.

Trước đó, cũng trao đổi với Đất Việt về đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, về mặt nguyên lý đúng là bất động sản luôn tăng giá theo thời gian và về trung, dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt, an toàn và có dư địa lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì không nên dùng đòn bẩy tài chính.

"Tại thời điểm này, không nên đầu tư tài chính vì vẫn có thể rủi ro. Không ai lường hết được sự phức tạp của đại dịch Covid-19, nó có thể không bùng phát mạnh nhưng sẽ vẫn kéo dài, đồng nghĩa với kinh tế suy giảm, giao dịch trở lại sẽ khó khăn hơn, rủi ro cũng lớn hơn khi người đi vay bị kéo dài thời gian vay tiền.

Một dự án bị kéo dài theo kiểu "gấp thếp", chậm một nhịp thì hàng càng ra thị trường chậm hơn, có khi mấy năm không xong. Một dự án chỉ tạo ra giá trị lớn khi nó đã hoàn thành, còn tại thời điểm mọi thứ đang ngổn ngang thì giá trị của nó không nhiều. Đó là một điểm rất bất lợi cho người phải đi vay tiền, cứ phải xoay tiền để trả lãi, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế suy thoái", ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Ở thời điểm bình thường có thể sử dụng đòn bẩy tài chính song vị chuyên gia bất động sản vẫn cho rằng không nên sử dụng tỷ lệ quá cao. Chẳng hạn, mua nhà hết 10 đồng nhưng người mua chỉ có 2-3 đồng, còn lại đi vay hết thì quá rủi ro, cộng lại giá trị phải trả rất lớn. Tỷ lệ đẹp nhất nếu sử dụng đòn bẩy tài chính, theo ông Đính, vẫn nên là 60-40, trong đó 60% là vốn tự có, còn 40% là vốn đi vay.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên "bỏ trứng vào một giỏ" mà phải phân tán để giảm bớt rủi ro.

"Lợi nhuận nhiều bao giờ cũng đi kèm với rủi ro lớn. Khi tính đến các quyết định đầu tư, trước tiên nhà đầu tư phải xem mình có bao nhiêu tiền, nếu không có nhiều tiền trước tiên vẫn nên gửi ngân hàng bởi lãi suất hiện tại vẫn ổn.

Còn nếu có nhiều tiền hơn một chút thì nhà đầu tư có thể xem xét đến nhiều kênh hơn như vàng, chứng khoán. Còn thực sự có nhiều tiền thì mới nên đầu tư vào bất động sản", ông Đính khuyến nghị.