DOANH NGHIỆP

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đầu tư và Phát triển Đức Quân

Kỳ Văn

Kinh doanh thua lỗ cộng với các khoản nợ vay quá hạn thanh toán khiến kiểm toán đưa ra ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Fortex.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HoSE: FTM) đã công bố BCTC kiểm toán bán niên năm 2021. Theo đó kết thúc 6 tháng, FTM lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng, tăng lỗ lũy kế từ hơn 196 tỷ đồng lên hơn 290 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của FTM, kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng. Đồng thời, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Theo đó, kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của công ty.

Vì vậy, các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Có thể thấy nợ vay lớn đã tạo ra gánh nặng chi phí tài chính lớn trong hoạt động kinh doanh của Fortex. Chi phí lãi vay hàng năm của Fortex vào khoảng trên 50 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2021 là 47 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2021, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn có giá trị tổng cộng gần 968 tỷ đồng, chiếm đến 61% tổng tài sản. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn xấp xỉ mức đầu năm và các khoản phải thu dài hạn tăng 58%. FTM có hơn 874 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn, chiếm gần 64% tổng nợ phải trả.

Trước ý kiến của kiểm toán, FTM đưa ra giải trình về khoản lỗ phát sinh, nợ vay và lãi vay quá hạn ngân hàng như sau:

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến công ty phải dừng sản xuất hoàn toàn nhà máy 2 và nhà máy 5. Từ quý II, công ty đã huy động nguồn lực để khôi phục được 50% sản lượng nhà máy 2 và bước đầu 30% sản lượng nhà máy 5 tuy nhiên dịch Covid-19 khiến việc phục hồi toàn bộ năng lực sản xuất không thực hiện được, thêm vào đó các biện pháp giãn cách chống dịch được triển khai khiến việc gia tăng doanh thu của công ty gặp nhiều khó khăn.

Khoản lỗ phát sinh chủ yếu là các chi phí cố định khấu hao, các chi phí trả trước phân bổ nhiều kỳ, lãi vay dài hạn do không khai thác được hết năng lực sản xuất của nhà máy để tiết giảm chi phí vận hành.

Liên quan đến khoản công nợ phải thu khó đòi, FTM lý giải, tình hình chung của thị trường và dịch bệnh Covid-19 khiến các đối tác của Công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn kinh doanh vừa qua dẫn tới chưa thanh toán được các công nợ này, Công ty sẽ tích cực liên tục đối chiếu công nợ và làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo của đối tác.

FTM đã thua lỗ liên tiếp trong cả 2 năm 2019 và 2020 lần lượt là 94 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, năm 2021 công ty dự kiến sẽ lỗ tiếp 80 tỷ đồng mặc dù doanh thu thuần dự kiến tăng cao đạt 660 tỷ đồng. Fortex từng có công suất sản xuất sợi gần 17.000 tấn/năm, quy mô doanh thu hàng năm lên tới 1.000 tỷ đồng.

Được thành lập năm 2002 tại Thái Bình, doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất và kinh doanh chính là các loại sợi cotton, bao gồm: sợi chải thô CD, sợi chải kỹ CM và sợi OE, với nguồn bông cotton nguyên liệu từ các nước sản xuất bông chính như Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Tây Phi, Úc... 90% sản phẩm sợi của Công ty được xuất khẩu cho thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu…

Fortex từng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp kéo sợ hàng đầu Việt Nam, với 3 nhà máy đặt tại Thái Bình - vùng quy hoạch sợi và có vị trí thuận tiện để xuất khẩu đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Công nghệ sản xuất tiên tiến so với các đối thủ và công ty có định hướng tập trung vào sợi có chỉ số cao kỳ vọng mang lại tăng trưởng tốt, hướng tới chuỗi giá trị, lấn sân vào mảng dệt - nhuộm vốn là nút thắt cổ chai của ngành dệt may Việt Nam.

Câu chuyện giảm sàn của cổ phiếu FTM đã trở thành một trong những trường hợp lao dốc kinh điển trên thị trường chứng khoán. Xuất phát từ việc kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu FTM không được cấp margin dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu khiến cổ phiếu FTM có nhiều phiên giảm sàn, thị giá FTM hiện chỉ còn 2.920 đồng/cp trong khi thời điểm đỉnh cao cổ phiếu này từng đạt mức giá 25.000 đồng/cp.