DOANH NGHIỆP

Kiểm toán Nhà nước: Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép

Kỳ Văn

Kết luận mới nhất của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước: Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép

Kết luận mới nhất của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 với nhiều nội dung liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản.

Dự án Vườn Vua Resort&Villas tại Thanh Thủy, Phú Thọ quảng cáo nhiều hạng mục sử dụng nguồn nước khoáng nóng nhưng chưa có giấy phép khai thác lĩnh vực này. Ảnh: B.Đ

Theo Kiểm toán Nhà nước, một số địa phương còn tình trạng khai thác khoáng sản nhưng chưa có hợp đồng thuê đất, chưa xác định tiền thuê đất phải nộp; khai thác khoáng sản chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, giấy phép đã hết hạn; chưa xác định, nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý theo quy định đối với các trường hợp khai thác khoáng sản vượt công suất; doanh nghiệp chưa thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản song Bộ TN&MT và UBND tỉnh chưa thực hiện rà soát, xem xét thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định (tỉnh Bình Phước); chưa thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định, cho phép chuyển nhượng mỏ khai thác khoáng sản khi không đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa thu hồi mỏ đã cấp phép khi quá thời hạn không xây dựng mỏ, khai thác khoáng sản ngoài phần diện tích nhà nước cho thuê (tỉnh Đồng Nai); chưa ban hành đầy đủ tỷ lệ quy đổi khoáng sản nguyên khai để có căn cứ xác định phí bảo vệ môi trường (tỉnh Thái Nguyên).

Về quản lý sử dụng đất, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Qua kiểm toán, xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm. Đó là Sawaco với gần 145,6 tỉ đồng; UDIC hơn 47 tỉ đồng; Samco xấp xỉ 23,2 tỉ đồng.

Ngoài ra, có đơn vị thực hiện hợp tác kinh doanh hoặc nhận hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, giao và thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá đất đúng quy định. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội đã thu hồi đất của Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội thuộc Handico giao cho Công ty CP Tập đoàn Tecco để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ, công chức, viên chức liên cơ quan huyện Thanh Trì.

UBND TP.HCM thu tiền sử dụng đất đối với 10 mặt bằng đất tại Dự án Rạch Ụ Cây thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 điều 58 Luật Đất đai 2003 và khoản 1 điều 118 Luật Đất đai 2013.

Kiểm toán Nhà nước cũng điểm mặt nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản đã hoàn thành công tác xây dựng nhưng chưa bán/khai thác, chậm đưa vào khai thác làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Công ty mẹ - Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn: Khu đất số 481 Bến Ba Đình phường 9, Quận 8 xây dựng hoàn thành chung cư từ năm 2010, đến nay còn 242/350 căn hộ để trống; khu đất số 339/34A (số cũ 157/R8) Tô Hiến Thành, phường 12, quận 10 đến nay còn 119 căn hộ để trống từ năm 2013.