Tin từ Bệnh viện (BV) Quân đội 108 cho biết, mới đây, BV đã cứu sống 1 cụ ông bị ngừng tuần hoàn tái diễn nhiều lần, lần dài nhất tới hơn 40 phút. Đáng nói, bệnh nhân được cứu sống nhờ hệ thống "báo động đỏ" liên viện suốt từ BV huyện Kinh Môn lên đến BV tỉnh Hải Dương rồi tới BV 108.
Giành giật từng giây để cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn
Bệnh nhân là cụ T.B.N (80 tuổi). Ông có có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sau hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và tiếp xúc tốt.
Theo lời kể của gia đình, 5 giờ sáng ngày 6/8/2022, bệnh nhân đang đi thì đột ngột ngã quỵ, đau ngực trái dữ dội, kèm theo khó thở. Bệnh nhân được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện huyện Kinh Môn lúc 7 giờ sáng trong tình trạng tỉnh táo.
Vài phút sau, bệnh nhân đột ngột xuất hiện ngừng hô hấp, tuần hoàn; ngay lập tức được các bác sĩ hồi sinh tim phổi, sau hơn 40 phút ép tim liên tục. Điều thần kỳ đã xảy ra là tim bệnh nhân đập trở lại, mặc dù vẫn phải thở máy và an thần.
Nhận định tình trạng của người bệnh vô cùng nặng nề, hệ thống "báo động đỏ” liên viện đã được kích hoạt từ BV huyện Kinh Môn đến BV tỉnh Hải Dương và đến BV Quân đội 108 để đưa ra phương án chẩn đoán, điều trị tối ưu nhất.
Các thông số huyết động, hô hấp, hình ảnh điện tim liên tục được cập nhật; các bác sĩ vừa hội chẩn về chẩn đoán, vừa trao đổi về chiến lược xử trí.
Nhóm cấp cứu liên viện xác định đây là một trường hợp nhồi máu cơ tim biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn, rối loạn nhịp thất phức tạp, suy hô hấp thở máy; nguy cơ ngừng tim tái diễn và tử vong rất cao nên cần phải chuyển đến BV Quân đội 108.
Bác sĩ khoa Hồi sức tim mạch (BV Quân đội108) đã trực tiếp giải thích cho người nhà qua điện thoại về dự kiến kế hoạch chẩn đoán, điều trị, những nguy cơ và biến chứng tiếp theo của bệnh nhân.
Trong quá trình đưa bệnh nhân từ BV tỉnh Hải Dương đến BV Quân đội 108, các bác sĩ cũng theo sát để nắm rõ tình hình và kịp thời hướng dẫn cấp cứu bệnh nhân.
Khi bệnh nhân được đưa đến BV Quân đội 108, trên cơ sở thông tin “báo động đỏ”, hệ thống cấp cứu và hồi sức tim mạch của BV được kích hoạt với mục tiêu chụp động mạch vành và tái tưới máu vùng nhồi máu cơ tim càng sớm càng tốt.
Các phương án và dụng cụ can thiệp động mạch vành, các phương tiện hỗ trợ hồi sức tim mạch hiện đại như bóng đối xung động mạch chủ (IABP), hệ thống trao đổi oxy hóa màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) được triển khai ngay tại phòng can thiệp.
Với sự chủ động và sẵn sàng như vậy, thời gian khi bệnh nhân đến bệnh viện đến khi can thiệp chụp và tái thông động mạch vành (thời gian cửa – bóng ) chỉ trong đúng 30 phút (Theo hướng dẫn của Hội tim mạch Mỹ thời gian cửa – bóng tối ưu là < 60 phút).
Diễn biến tiếp theo đó người bệnh vẫn vô cùng nặng nề, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện ngừng tuần hoàn 3 lần, huyết áp phụ thuộc vào 3 thuốc trợ tim liều cao. Tuy nhiên, các y bác sĩ khoa hồi sức tim mạch đã kịp thời xử trí và giải quyết nguyên nhân, giúp cho bệnh nhân từng bước vượt qua nguy kịch.
Sau khoảng hơn 2 tuần điều trị, điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh nhân dần dần tỉnh trở lại, thoát sốc, bắt đầu tập đi lại và trở lại cuộc sống gần như bình thường.
Cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn nhờ hệ thống báo động đỏ liên viện vận hành hoàn hảo
TS Đặng Việt Đức, Khoa Hồi sức Tim mạch (BV Quân đội 108) cho biết, ca cấp cứu, điều trị thành công bệnh nhân 80 tuổi bị ngừng tuần hoàn lâu như vậy là một kỳ tích thực sự đối với bệnh nhân và nỗ lực của cả ê kíp.
Mặc dù bệnh nhân ngưng tuần hoàn nhiều lần, nhưng với hệ thống báo động đỏ liên viện, tất cả được vận hành hoàn hảo.
Vui mừng, thở phào nhẹ nhõm là cảm xúc của cả kíp trực ngày hôm đó, Bs Phạm Sơn Lâm nhớ lại hôm đó là thứ 7, Bs Lâm cùng các bác sĩ của Viện tim mạch trực tiếp thực hiện ca cấp cứu.
Bác sĩ Phạm Sơn Lâm, Viện Tim mạch (BV Quân đội 108), người tham gia cấp cứu bệnh nhân chia sẻ, vẫn còn hồi hộp khi nhớ tới giây phút "chạy đua với Thần Chết" để cứu bệnh nhân.
"Sau 30 phút tiến hành can thiệp mạch vành cấp cứu, bệnh nhân vẫn tiếp tục xuất hiện ngừng tuần hoàn nhiều lần. Hôm đó, chúng tôi phải chạy đua từng giây để cấp cứu người bệnh.
Nếu không kịp thời chắc chắn người bệnh sẽ không qua khỏi, hoặc nếu sống thì tổn thương não không hồi phục, người bệnh sẽ sống với trạng thái “thực vật” suốt đời. Do đó để có thể cấp cứu hiệu quả, đòi hỏi các bác sĩ phải rất khẩn trương, xử trí nhanh chóng và chính xác", bác sĩ Lâm chia sẻ.