ĐỜI SỐNG

Loại hợp đồng về nhà ở nào không cần công chứng, chứng thực?

Kỳ Văn

Cho đến nay, loại hợp đồng về nhà ở nào không cần công chứng, chứng thực vẫn là câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc. Luật Nhà ở 2014 quy định rất rõ về các trường hợp này.

Cho đến nay, loại hợp đồng về nhà ở nào không cần công chứng, chứng thực vẫn là câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc. Luật Nhà ở 2014 quy định rất rõ về các trường hợp này.

Trường hợp hợp đồng không cần công chứng

Chiếu theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014, có 5 loại hợp đồng pháp luật không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp các bên có nhu cầu:

1. Tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương

2. Mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

3. Mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư

4. Góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức

5. Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở

Thời điểm hợp đồng có hiệu lực

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, với trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết.

Đối với các trường hợp còn lại như hợp đồng về mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì công dân vẫn phải thực hiện công chứng, chứng thực bình thường. Thời điểm có hiệu lực chính là thời điểm hợp đồng được công chứng, chứng thực.

Lưu ý về công chứng hợp đồng nhà đất

Nêu không thuộc 5 trường hợp đặc biệt trên thì công dân phải công chứng, chứng thực thì giấy tờ mới có hiệu lực về pháp lý. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

1. Địa điểm

Tại phòng công chứng nhà nước hoặc văn phòng công chứng tư có trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà đất.

2. Giấy tờ cần thiết

Dựa theo Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng 2014, các giấy tờ cần chuẩn bị khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở bao gồm:

- Bên chuyển nhượng, bên tặng cho

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

+ Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu

+ Sổ hộ khẩu

+ Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân)

+ Hợp đồng ủy quyền (nếu được ủy quyền để thực hiện việc chuyển nhượng)

- Bên nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho

+ Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu

+ Sổ hộ khẩu

+ Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân)

3. Phí thu công chứng

Mức thu phí công chứng giao dịch, hợp đồng được xác định theo giá trị hợp đồng, giao dịch hoặc giá trị tài sản (gồm đất và tài sản gắn liền với đất). Mức thu thấp nhất là 50.000 đồng và cao nhất lên tới 70 triệu đồng.

4. Ai là người nộp tiền công chứng

Người nộp phí công chứng là người yêu cầu công chứng. Tuy nhiên, các bên có thể thỏa thuận về người nộp phí, thù lao.