DOANH NGHIỆP

Ngân hàng nào trả cổ tức cao nhất năm nay?

Kỳ Văn

Hàng loạt ngân hàng dự kiến chia cổ tức trên 25% trong năm nay. Cùng với việc giá cổ phiếu liên tục tăng cao, cổ đông các nhà băng không khỏi cảm thấy "ấm lòng".

Hầu hết kế hoạch phân phối lợi nhuận của các ngân hàng đã được công bố trong mùa đại hội cổ đông. Theo đó, năm 2021 có thể là năm nhiều ngân hàng chia cổ tức nhất từ trước đến nay. Không những vậy, nhiều ngân hàng còn chia cổ tức với tỷ lệ rất cao.

Tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch VietinBank ông Lê Đức Thọ cho biết, kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ theo quy định của năm 2017-2019 đang được NHNN trình lên Chính phủ để được phê chuẩn. Trước đó, cuối năm 2020, ngân hàng đã thông qua phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 28,8%.

Đối với lợi nhuận năm 2020, VietinBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6-17,7%.

Như vậy, nếu kế hoạch chia cổ tức nói trên được đẩy nhanh, cổ đông VietinBank có thể sắp nhận được nhận cổ tức lên tới hơn 45%, đồng thời là ngân hàng hiếm hoi chịu chi cổ tức tiền mặt hiện nay.

Ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức "khủng" tiếp theo là VIB. Nhà băng này cho biết đến cuối năm 2020 có hơn 4.800 tỷ đồng lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ, do đó VIB dự kiến sẽ chia cổ phiếu thưởng từ nguồn lợi nhuận này, tỷ lệ tối đa là 40%, nhờ đó vốn điều lệ tăng từ 11.093 tỷ đồng hiện tại lên hơn 15.530 tỷ đồng. Việc chia cổ phiếu thưởng VIB dự kiến hoàn thành trước 30/9/2021.

Tiếp nữa là MB, tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 27/4 tới đây, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, tương đương với chi gần 10.000 tỷ đồng để chia cổ tức.

Ngân hàng thứ 4 chia cổ tức tỷ lệ từ 30% trở lên là MSB, Đại hội cổ đông của nhà băng này đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng bằng việc trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Với cổ tức năm 2021, ngân hàng dự kiến chia tỷ lệ tối thiểu 15%.

Còn tại ACB, ngân hàng cho biết lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức năm 2020 là gần 7.670 tỷ đồng. ACB dự kiến sẽ dùng 5.404 tỷ để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tức tỷ lệ 25%. Đồng thời ngân hàng cũng lên kế hoạch năm sau sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Các kế hoạch này đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 thông qua.

Ngân hàng khác cũng dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25% trong năm nay là HDBank. Ngân hàng này cho biết sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, từ đó tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.000 tỷ đồng lên 20.110 tỷ đồng.

Hay OCB cũng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông trong năm nay. Kế hoạch này sẽ được trình tới ĐHĐCĐ ngày 28/4 tới đây.

SHB gây chú ý trên thị trường khi không chỉ lên kế hoạch kinh doanh tham vọng với mục tiêu lợi nhuận tăng 70% mà còn bởi kế hoạch chia cổ tức. Ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và cổ tức năm 2020 cũng bằng cổ phiếu tỷ lệ 10,5%. Năm ngoái, ngân hàng cũng đã chia cổ tức với tỷ lệ khá cao.

BIDV cũng dự kiến trả cổ tức năm 2019-2020 với tỷ lệ lần lượt là 5,2% và 7% bằng cổ phiếu trong năm nay.

SeABank thì cho biết, với 1.127 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tại thời điểm cuối năm 2020, SeABank sẽ phát hành hơn 110 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 9,12%) để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.

Mặc dù các ngân hàng chủ yếu trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng vẫn được lòng cổ đông, bởi thị giá cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng tăng khá mạnh trong 1 năm qua và vẫn được đánh giá còn triển vọng.

Đơn cử như SHB, năm ngoái, ngân hàng đã trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20,9% trong quý 1/2020 và thị giá cổ phiếu này thì liên tục tăng mạnh, từ vùng 5.000 đồng/cp hồi đầu năm 2020 hiện đã lên tới 27.500 đồng/cp (tăng gấp 5,5 lần). Theo đó, giả sử cổ đông nắm giữ cổ phiếu SHB từ thời điểm 1/1/ 2020 đến nay 20/4/2021 có thể lãi gấp 6,6 lần.

Các cổ phiếu khác được nhắc đến ở trên cũng tăng mạnh, như VIB đã tăng 98% trong vòng 1 năm qua, MBB tăng 69%, CTG (VietinBank) tăng 37%, ...MSB, OCB, SSB thì là những ngân hàng vừa lên sàn HoSE trong thời gian qua và liên tục ghi nhận lợi nhuận bứt phá mạnh.

Trong báo cáo chiến lược tháng 4, bộ phận phân tích của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, cổ phiếu nhóm ngân hàng sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường trong tháng 4 nhờ triển vọng kinh doanh tích cực. Nhiều ngân hàng cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 hết sức ấn tượng.