DOANH NGHIỆP

Ngân hàng SCB bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt do vi phạm công bố thông tin

Kỳ Văn

Ngày 06/7/2021, Thanh tra UBCKNN ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Theo đó, SCB bị phạt 85 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Ngân hàng báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn đối với: Báo cáo thường niên 2019, BCTC quý 4/2019 riêng và hợp nhất, BCTC riêng quý 4/2020.

Vừa qua, SCB thông báo đã bán gần 479 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, chiếm 96% số lượng cố phiếu đăng ký chào bán.

Mục đích đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu lần này của SCB nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh để đảm bảo các mục tiêu kinh doanh và phát triển trong thời gian tới.

Được biết, SCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hồi tháng 2 vừa qua, với mức vốn điều lệ sau khi tăng tối đa là hơn 20.231 tỷ đồng.

SCB là một trong 3 ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. ĐHCĐ bất thường của SCB hồi cuối năm 2020 đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của ngân hàng này thêm 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030, đồng thời niêm yết cổ phiếu SCB lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) chậm nhất là năm 2025. Về kết quả kinh doanh của SCB, năm 2020, ngân hàng dành 1.993 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên 13.600 tỷ đồng. Kết quả, SCB báo lãi trước và sau thuế gấp hơn 3 lần năm trước, đạt hơn 696 tỷ đồng và 551 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản tăng 12% so với đầu năm, đạt gần 634.417 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tăng 21% (4.116 tỷ đồng), tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 59% (12.146 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 5% (351.386 tỷ đồng)...

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của SCB đến cuối năm 2020 tăng 72% so với đầu năm, lên mức 2.835 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm lên mức lần lượt 650 tỷ đồng và 555 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 52% lên mức 1.628 tỷ đồng. Kết quả kéo tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu lên mức 1,16% và 0,81%.

Hiện SCB cũng chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 và năm 2021.