Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế. Trong 9 tháng qua, NHNN đã ba lần hạ lãi suất điều hành. Đây là một biện pháp kích thích nền kinh tế… Tuy nhiên Thủ tướng nhận định, tín dụng tăng trưởng còn thấp và đề nghị NHNN tiếp tục tạo mọi điều kiện để có thể tăng trưởng tín dụng...
Trước đó, hôm 29/9, NHNN đã quyết định giảm các mức lãi suất điều hành: lãi suất tái cấp vốn còn 4,0%/năm; tái chiết khấu còn 2,5%/năm; cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng xuống 5,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở còn 2,5%/năm; Lãi suất tối đa tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; kỳ hạn 1-6 tháng giảm về 4,0%/năm...
NHNN cũng yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế xuống 4,5%/năm. Ngay sau khi NHNN giảm lãi điều hành các NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất huy đồng về mức thấp hơn nhiều so với trần quy định của NHNN.
Từ đầu năm đến nay mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh. Về lý thuyết, khi lãi suất giảm mạnh thì cầu tín dụng sẽ tăng. Nhưng Covid-19 đã khiến quy luật này không diễn ra. Theo công bố của NHNN, đến hết tháng 9/2020, huy động vốn tăng 7,7%; tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 6,09% (trong khi mức tăng cùng kỳ 2019 là 8,51%).
Vốn nhàn rỗi nhiều khiến các TCTD tăng chi phí, phải lo bù đắp từ các nguồn thu khác. Mà điều này là rất khó, bởi hiện thu từ hoạt động phi tín dụng vẫn khá thấp, chỉ khoảng 30%/tổng nguồn thu của ngân hàng. Do đó, không chờ đến khi Thủ tướng "nhắc nhở", ngành Ngân hàng, đặc biệt là các NHTM lớn đều nhận thấy việc tăng trưởng tín dụng thấp thực sự là vấn đề lớn. Nhưng các TCTD đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan khi tín dụng tăng trưởng thấp nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng và có nguy cơ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết: Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2%. Song ông Phi nhận định, dịch bệnh Covid-19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của TCTD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn trong thời gian tới, gia tăng nợ xấu toàn Ngành, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu của các TCTD.
Phát biểu tại Tại hội nghị "Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách" hôm 30/9 TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ước tính nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối 2021 là 4%, việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn hơn. Tổng hợp ý kiến từ hội nghị này cũng cho thấy: cần có thêm cơ sở pháp lý tốt hơn cho vấn đề xử lý nợ xấu. Vai trò của VAMC đang bị lu mờ dần khi thị trường mua bán nợ không phát triển, việc mua bán nợ xấu theo thị giá rất hạn chế. Các TCTD có xu hướng tự xử lý nợ xấu thay vì cậy nhờ VAMC.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng giám đốc VAMC cho biết: Mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỷ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường từ 2017 đến 2020 đạt 8.341 tỷ đồng… Từ cuối năm 2019 các TCTD đã đồng loạt tất toán trái phiếu của VAMC, rất nhiều trong số đó là tất toán trước hạn (từ năm 2015 VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt kỳ hạn 10 năm). Mới đây nhất, hôm 2/10 MSB đã công bố họ đã tất toán toàn bộ trái phiếu của VAMC.
Việc lãi suất ở mức rất thấp như hiện nay (lãi suất huy động của ngân hàng thấp nhất trên thị trường hiện chỉ còn 0,10%, cao nhất cũng chỉ 7,2%/năm) được kỳ vọng sẽ kích cầu tín dụng tăng. Nhưng nếu tín dụng tăng đi kèm với khó kiểm soát nợ xấu thì các TCTD cũng… không ham. Bên cạnh đó, lạm phát bình quân 9 tháng năm 2020 đã ở mức 3,85% thì NHNN cũng không thể lơ là vấn đề kiểm soát lạm phát.