PHÁP LUẬT

Ngành gỗ từng bước khẳng định vị thế, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD

Tuyết Trang

Không chỉ mở rộng vị thế thương mại, doanh nghiệp ngành gỗ đang từng bước khẳng định ở các phương diện công nghệ, sản xuất xanh và phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu thu về 16 tỷ USD trong năm 2024.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang kỳ vọng có thể mang về từ 15,5 - 16 tỷ USD trong năm nay.

Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 50% thị phần, tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, trong năm nay, giá trị xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh với mức tăng trưởng hai con số, trong khi Nhật Bản chỉ tăng nhẹ.

Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Việt Nam như dăm gỗ và gỗ chế biến sẵn, đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Dăm gỗ tăng gần 38%, trong khi gỗ và các sản phẩm gỗ cũng tăng hơn 20%.

Ngành gỗ tăng trưởng khá, hướng đến mục tiêu 16 tỷ USD. Ảnh minh họa

Thị trường hiện nay đang yêu cầu các sản phẩm gỗ không chỉ có chất lượng cao mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về tính bền vững và bảo vệ môi trường. Đơn cử như các sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có nguy cơ phải đối diện các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ.

Do đó, các doanh nghiệp đang phải thay đổi để thích ứng với xu hướng sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu tác động đến môi trường và phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, cách tốt nhất để cải thiện "sức khỏe" của ngành gỗ là các giải pháp về kỹ thuật, nâng cao công nghệ trong sản xuất; hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển các thiết kế, nâng cao chất lượng đồ gỗ Việt Nam. Cùng đó, là có các giải pháp quản trị doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên chuyển đổi số.

Trước những thách thức đặt ra cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại ngành chế biến gỗ, nhất là qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành.

Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam từng chia sẻ, cùng với nhu cầu thị trường “ấm dần”, song song với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp ngành gỗ cần chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng.

“Không xây dựng được thị trường tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu, đặc biệt là xúc tiến và kết nối thị trường. Tổ chức các sự kiện hội chợ ngành gỗ tạo cơ hội giao thương và để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các khách hàng của thị trường quốc tế. Nếu 2 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD thì cả năm nay, xuất khẩu của ngành gỗ sẽ đạt gần 16 tỷ USD.

Minh Anh (t/h)