Khỏe & Đẹp ĐỜI SỐNG

Người dùng nên cảnh giác Trà Cam Mộc Slim giảm cân của Công ty Hoàng Gia Phát

Kỳ Văn

Công ty Cổ phần dược mỹ phẩm Hoàng Gia Phát phân phối sản phẩm “Cà phê giảm cân Hoàng Gia Phát” mới phát hiện có chứa chất cấm sibutramine khiến 1 phụ nữ suýt mất mạng, đồng thời đơn vị này cũng phân phối sản phẩm “Trà Cam mộc Slim” có nhiều dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng.

Gần đây, dư luận “đứng ngồi không yên”, bức xúc trước sự việc một phụ nữ 37 tuổi ở Hà Nội suýt mất mạng, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương não vì sử dụng sản phẩm “Cà phê Hoàng Gia Phát giảm cân”, có chứa chất cấm sibutramine.

May mắn do cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang phục hồi. Sau khi vượt qua “cửa tử”, bệnh nhân này kể lại do cơ thể tăng cân nhanh sau khi sinh con thứ ba, chị được bạn cùng công ty giới thiệu cà phê Hoàng Gia Phát giảm cân rất hiệu quả, uống một tuần có thể giảm được 4kg. Chị đã mua một hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi buổi sáng uống một gói. Ban đầu, cảm giác uống cà phê thơm ngon như bình thường, song tới ngày thứ tư, sau uống 15 phút, chị có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước. Thân nhiệt hạ thấp đột ngột, bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh. Thấy tình trạng bất ổn nên chị được gia đình đưa đi cấp cứu.

Câu chuyện trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo tới người tiêu dùng, không nên tin vào những sản phẩm quảng cáo tăng-giảm cân trên mạng xã hội để rồi tiền mất, tật mạng. Quá trình điều tra mở rộng về Công ty Hoàng Gia Phát, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận thấy thương hiệu này đang phân phối sản phẩm khác có tên Trà Cam Mộc Slim, do Công ty TNHH sản xuất – Y dược phẩm Vĩnh Điển (Địa chỉ: Điểm công nghiệp Đan Phượng, Xã Đan Phượng, Huyện Đan Phượng, Hà Nội) sản xuất, cũng đang quảng cáo vi phạm pháp luật?

Trà Cam Mộc Slim quảng cáo tràn lan lừa người tiêu dùng?

Cụ thể, tại địa chỉ có tên “Thu Điềm”, Trà Cam Mộc Slim được giới thiệu chiết xuất 100% từ thảo dược thiên nhiên nhưng lại có công dụng “thần dược”: giảm béo, loại bỏ mỡ thừa, giúp eo thon vóc dáng, bù khoáng, da căng bóng... phòng các căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng. Theo người này, Trà Cam Mộc Slim dùng cho người không uống được cà phê Hoàng Gia Phát, mỗi lần uống pha 1 gói với 100ml nước và uống trước ăn sáng.

“Sau 10 ngày có thể uống 2, 3 gói, người thích giảm cân nhiều thì uống nhiều, ai muốn giảm ít thì uống ít. Muốn giảm cân, giảm béo không khó chỉ cần dùng Trà Cam Mộc Slim”, người bán “nổ”.

Nick name khác tên “Hà Duy” cũng liên tục đăng tải nhiều bài viết Trà Cam Mộc Slim với cam kết giảm từ 3-5kg sau khi sử dụng. Để “dụ” khách hàng mua sản phẩm, người này còn khẳng định chỉ cần ngày dùng 1 gói sẽ không còn lo mỡ bụng, mỡ lâu năm...

Hay người bán tên “Dương Thị Duy Bảng”, cũng đăng bài quảng cáo “ăn nhiều mà không sợ mập, không sợ mỡ thừa thì sử dụng cà phê Hoàng Gia, Trà Cam Mộc Slim đốt cháy từ 5-8kg mỡ, tăng sức đề kháng để chống lại COVID-19”.

Thậm chí, để lừa dối người tiêu dùng, người phụ nữ có tên Đỗ Thị Vân Anh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dova Group, vừa là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Y tế Quốc tế Vicofa, đồng thời cũng là Giám đốc điều hành Dova Beauty Center & Dental cũng quảng cáo không đúng sự thật sản phẩm Trà Cam Mộc Slim. Trong đoạn video đăng tải, Vân Anh cho rằng những người đang có thân hình béo, mất tự tin... nên sử dụng Trà Cam Mộc Slim vì sản phẩm này giảm được vài chục kg và khuyên mọi người hãy dùng ngay để có thân hình “vạn người mê”.

Đỗ Thị Vân Anh quảng cáo Trà Cam Mộc Slim giảm vài chục kg, chất lượng có đảm bảo?

Việc sản phẩm của Công ty Hoàng Gia Phát đang được hệ thống “chân rết” kinh doanh tràn lan trên mạng xã hội là có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng và lừa dối người tiêu dùng. Trước đó, cà phê của thương hiệu này phát hiện có chất cấm sibutramine thì liệu rằng Trà Cam Mộc Slim có được “bỏ qua” là câu hỏi được đông đảo dư luận quan tâm. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng, tòa soạn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý đại lý, cá nhân kinh doanh sản phẩm Trà Cam Mộc Slim dấu hiệu gian dối để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo điều 8, Luật Quảng cáo 2012, sửa đổi năm 2018, quảng cáo không đúng về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 70 triệu đồng (Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP). Ngoài việc bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này gây tổn hại sức khỏe, tính mạng thì người tiêu dùng có thể khởi kiện nhà sản xuất cùng với người có hành vi quảng cáo sai sự thật đó để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…