ĐỜI SỐNG

Người lao động tự do làm thế nào được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ?

Kỳ Văn

Chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng có hướng dẫn chi tiết, nhưng không quy định trách nhiệm cụ thể sẽ khiến nhiều địa phương buông lỏng việc hỗ trợ lao động tự do.

Chị Vũ Thị Mai (Hà Nội) không tin được mình đã trải qua 2 tháng không có việc làm. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, thành phố yêu cầu dừng các hoạt động bán hàng rong, trà đá vỉa hè, gánh hàng của chị vứt chỏng chơ ở góc nhà. Trước đó, việc gánh hoa bán rong đã nuôi sống vợ chồng chị cùng 2 đứa con.

"Giờ không đi làm, không có tiền nên lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ nếu được hỗ trợ thì tốt biết mấy. Tôi nghe nói sẽ có tiền hỗ trợ nên ngày nào cũng đi hỏi mọi người trong tổ dân phố xem có ngóng được gì không, nhưng mọi người lại bảo lên tivi mà nhận", chị Mai nói rồi cười lớn.

Trong khi nhiều người dân như chị Mai loay hoay với cuộc sống khó khăn, các địa phương vẫn đang lên kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh những điểm mới, chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ còn một số điểm cần xem xét và bổ sung, đặc biệt với chính sách hỗ trợ cho lao động tự do. Hiện, chính sách này còn bỏ ngỏ do Chính phủ yêu cầu địa phương chủ động xem xét, cân đối ngân sách để tự quy định mức hỗ trợ cho đối tượng là lao động trong khu vực phi chính thức.

Trách nhiệm thực thi

Ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam, cho rằng Nghị quyết 68 đã được thông qua kịp thời với một số điều chỉnh, tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm 2020.

Những hướng dẫn cụ thể sẽ giúp cho gói hỗ trợ được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn.

Ông Phạm Quang Tú

Đánh giá về điểm mới của Nghị quyết 68, ông Tú cho rằng Chính phủ đã mở rộng thêm các nhóm đối tượng chính hưởng lợi và quy định 12 nhóm chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trẻ em và người đang điều trị Covid-19, người đang cách ly y tế, phụ nữ có thai, người lao động chính thức và lao động phi chính thức.

Quyết định 23 cũng đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể và thời gian thực hiện rõ ràng, nhanh chóng đối với 11 nhóm trong số này.

"Những hướng dẫn cụ thể này sẽ giúp cho gói hỗ trợ được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn", ông Tú nhận định.

Chuyên gia cho rằng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng chưa hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ với lao động tự do. Ảnh: Quốc Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng Quyết định 23 chưa có hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động phi chính thức (lao động tự do). Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 là 20,3 triệu người, chiếm gần một nửa tổng số người trong độ tuổi lao động (48,6 triệu người).

Theo đó, việc Chính phủ quy định các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tự do có điểm tích cực là tạo sự chủ động của chính quyền địa phương.

Dù vậy, chuyên gia lo ngại việc thiếu các quy định và hướng dẫn rõ ràng về chính sách cũng như trách nhiệm thực thi sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương đối với nhóm lao động tự do, di cư.

"Mức độ hỗ trợ cho nhóm đối tượng này sẽ rất khác nhau giữa các tỉnh, tạo ra sự chênh lệch trong tiếp cận chính sách hỗ trợ. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ không thực hiện được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau", đại diện Oxfam Việt Nam nhận định.

Bài học từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ

Nhắc lại gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (Nghị quyết 42) năm 2020, ông Phạm Quang Tú cho biết kết quả đánh giá của các cơ quan cho thấy gói hỗ trợ này được thực hiện chưa hiệu quả như mong đợi.

Tỷ lệ chi hỗ trợ trực tiếp chỉ đạt hơn 22% toàn gói 62.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm lao động tự do như người bán hàng rong, xe ôm không có hợp đồng lao động, bị mất việc làm, chỉ hỗ trợ được hơn 1 triệu người với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng nhưng có đến 20 triệu người trong nhóm này chịu ảnh hưởng bởi dịch.

Phó giám đốc Oxfam Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai gói 62.000 tỷ đồng thiếu hiệu quả là thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này.

Ông Tú dẫn ví dụ trong Quyết định 15 về hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Chính phủ quy định UBND cấp tỉnh tự quyết định bổ sung các nhóm công việc ngoài 6 nhóm trong danh sách, nhưng lại thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm thực thi của các tỉnh.

"Điều này dẫn đến việc thực thi ở các tỉnh, thành khác nhau nên phần nào tạo ra sự chênh lệch trong tiếp cận chính sách hỗ trợ. Trong 63 tỉnh, thành phố, chỉ có TP.HCM chủ động hỗ trợ người lao động thuộc các nhóm công việc khác, gồm hỗ trợ nhóm giáo viên và nhân viên làm việc trong cơ sở mầm non ngoài công lập", chuyên gia của Oxfam Việt Nam nói.

Nguyên nhân thứ hai là việc quy định quá chặt chẽ và thiếu tính khả thi về các tiêu chí, thủ tục hỗ trợ. Điều này đã gây ra nhiều rào cản đối với người lao động khi tiếp cận gói hỗ trợ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương chưa khảo sát đầy đủ, bỏ sót nhiều người lao động tự do đang gặp khó khăn. Các kênh thông tin về chính sách hỗ trợ đến đối tượng là lao động tự do vẫn còn chưa phù hợp và hiệu quả khiến cho tỷ lệ lao động tự do biết về gói hỗ trợ này còn rất hạn chế.

Cần mở rộng hỗ trợ tất cả nhóm việc làm

Từ những phân tích trên, đại diện Oxfam Việt Nam cho rằng nếu tiếp tục thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm thực thi chính sách, cũng như không đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện thì tỷ lệ người lao động tự do được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng sẽ rất thấp.

Để tăng tính hiệu quả cho việc thực hiện gói hỗ trợ mới, chuyên gia đề xuất Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định hoặc giao Bộ LĐTB&XH ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68 với nhóm lao động tự do.

Trong đó, cần quy định trách nhiệm thực thi chính sách của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan này.

Kết quả thực hiện hỗ trợ người lao động tự do cần trở thành một trong các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong ứng phó với tác động của Covid-19 tới đời sống của nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đóng góp thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân.

Các địa phương đang lên kế hoạch về việc triển khai hỗ trợ lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Phạm Ngôn.

Ngoài ra, Phó giám đốc Oxfam Việt Nam đề xuất mở rộng hỗ trợ tất cả nhóm việc làm của người lao động tự do và dựa trên tiêu chí duy nhất là bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của Covid-19.

Cơ quan này cũng đề xuất Bộ LĐTB&XH xây dựng một cơ sở dữ liệu và báo cáo quốc gia, trực tuyến, theo thời gian thực, với thông tin liên tục cập nhật về người lao động tự do đăng ký và nhận hỗ trợ theo các kênh như trên.

Việc này sẽ tránh sự trùng lặp khi lập danh sách hỗ trợ đối với người lao động di cư ở các địa bàn, tỉnh khác nhau. Đồng thời, giúp bỏ yêu cầu người dân chứng minh cư trú hợp pháp hay yêu cầu lấy xác nhận ở nơi thường trú hoặc tạm trú khi đăng ký nhận hỗ trợ.

Về ngân sách hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, đại diện Oxfam Việt Nam đề xuất Chính phủ hỗ trợ ngân sách thực hiện đối với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và các tỉnh đang gặp khó khăn.

"Riêng với nhóm đối tượng lao động tự do di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc, chúng tôi đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh có lao động đi và tỉnh, thành phố có lao động đến", ông Phạm Quang Tú nói.