ĐỜI SỐNG

Người phụ nữ ôm con khóc òa trong căn nhà dột khi biết chồng mắc Covid - 19

Admin

Với hy vọng thay đổi cuộc sống, chị Phương đành phải cho chồng sang nước Guinea Xích Đạo lao động. Thế nhưng khi anh đi chưa đầy 1 năm, chị choáng váng nhận tin chồng chẳng may nhiễm Covid-19 nơi xứ người...

Nhiều đêm ôm con khóc

Mấy ngày nay, người dân địa phương thay nhau đến động viên gia đình chị Hồ Thị Phương (SN 1992, trú xóm 1, xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An) sau khi biết tin về chồng chị dương tính với Covid-19. Anh Du hiện đang lao động tại công trình Nhà máy Thủy điện Sendje (tỉnh Littorial).

Ôm con nhỏ ngồi trên ghế, khuôn mặt của chị Phương phờ phạc, vẫn không giấu được sự bàng hoàng trước những thông tin không may mắn đến với gia đình nhỏ của mình. “Do cuộc sống khó khăn quá nên tôi mới cho chồng đi làm ăn, nếu biết trước như thế này thì dù đói khổ tôi cũng không cho anh ấy đi”, chị tâm sự. Chị Hồ Thị Phương kết duyên với anh Nguyễn Bá Du (SN 1992) và có với nhau 2 người con. Không có nghề nghiệp ổn định, lại sinh con nhỏ sát nhau nên chị không làm được gì nhiều, gánh nặng cuộc sống đổ vào vai của anh Du. Tuy nhiên, do cũng không có nghề nghiệp ổn định nên anh Du chỉ đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Vì vậy, từ khi cưới nhau đến nay gia đình chị vẫn luôn nằm trong nhóm hộ cận nghèo của xã.

Ngôi nhà cũ kỹ của gia đình chị Phương

“Thấy sống như vậy mãi không được, nên khi biết tin có đợt tuyển lao động sang nước Guinea Xích Đạo để làm việc thì chồng có về bàn với tôi. Lúc đầu tôi không đồng ý, nhưng sau anh nói đi với một số người nữa trong xóm, lại cùng anh em họ hàng cả, có gì vất vả cũng đỡ đần nhau. Hơn nữa, thời gian đi cũng chỉ 1,5 năm qua Tết là về rồi. Lúc này tôi mới đồng ý với hy vọng chuyến này đi cuộc sống gia đình sẽ khác”, chị Phương kể.

Để cho chồng đi xuất khẩu, chị đã phải đi vay mượn với số tiền 20 triệu đồng. Đối với nhiều người đây là số tiền không lớn, nhưng với gia đình chị thì đây là cả gia tài. Tháng 9/2019, anh Nguyễn Bá Du chia tay vợ trẻ, con thơ để lên đường đi làm ăn.

Thời gian đầu, công việc khá thuận lợi khi công ty trả lương đều đặn với số tiền lên đến 15 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chỉ trong vòng 2 – 3 tháng, chị đã có thể trả hết nợ. Năm đó, gia đình cũng đã có một cái Tết ấm áp, các con nhỏ của chị có thêm bánh chưng thịt để ăn.

Nhiều đêm nằm trong ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp, từng chiếc cột đã mối mọt, chị ôm con vào lòng đếm từng ngày người chồng trở về. Thế nhưng sóng gió đã ập đến khi một tuần trước, chị choáng váng biết được việc anh có kết quả dương tính với Covid-19.

“Thời điểm Covid-19 xuất hiện, tôi đã vô cùng lo lắng nên anh ấy điện về an ủi là không sao đâu. Thế nhưng ở nước bạn không được như nước mình, trong khi Việt Nam mỗi ngày đều giảm ca nhiễm thì ở họ lại tăng. Đến tháng 5/2020, tôi có nói với chồng hay là trở về để tránh dịch, nhưng thời điểm đó không thể về được nữa”, chị kể.

Rồi chuyện chẳng lành đã đến, anh Nguyễn Bá Du là 1 trong 112 người lao động Việt Nam nhiễm Covid-19. Gần 1 tuần nay, chị sống trong tâm trạng bất an, đêm không dám ngủ, chỉ ôm con rồi khóc khi nghĩ về một tương lai đấy khó khăn phía trước. Do chồng ở nước ngoài, chị phải chạy đi khắp nơi kêu cứu. Thậm chí chị đã gửi con rồi ra tận Hà Nội, vào công ty để nhờ giúp đỡ.

Nhiều người đến chia sẻ khi biết thông tin về chồng chị Phương

Le lói hy vọng

Điều đáng nói, ngay trong xóm 1 (xã Lăng Thành) cũng có 4 người lao động tại nước Cộng hòa Guinea Xích Đạo. Đặc biệt trong đó có 2 người anh em trai là Nguyễn Bá Du và Nguyễn Bá Lãm (SN 1988). Cả hai được xác định nhiễm Covid-19 và đang được chữa trị tại cơ quan y tế sở tại.

Chị Thái Thị Hải (SN 1988, vợ anh Lãm) thở dài: “Từ khi biết tin, ngày nào tôi và Phương cũng hỏi thăm tin tức của nhau. Các anh vì cuộc sống mới phải đi làm ăn xa, không ngờ đều bị nhiễm dịch. Mấy hôm trước các anh đều gọi về, thấy bảo sức khỏe vẫn bình thường. Nhưng mấy hôm nay bị cắt mạng rồi nên không gọi về được nữa, không biết tình hình thế nào”.

Cho đến tối 10/7, khi xem tivi thì được biết, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại trụ sở Chính phủ, trên tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu có chuyến bay cứu hộ công dân ngay tức thời ở Guinea Xích Đạo.“Khi biết được thông tin này, tôi đã chạy sang nhà Phương để báo tin. Thế là cả hai chị em òa khóc vì quá vui mừng, lúc này người dân địa phương cũng đến chia vui. Gia đình chúng tôi không còn mong gì hơn, cảm ơn Đảng, Chính phủ, cảm ơn Nhà nước đã làm hết mình vì người dân”, chị Hải nói.

Trao đổi thêm về việc này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chánh văn phòng UBND huyện Yên Thành xác nhận, có hơn 30 người dân trên địa bàn đã sang lao động tại nước Guinea Xích Đạo. “UBND huyện đang yêu cầu phòng LĐ- TB&XH kiểm tra, thống kê số lao động này để hướng dẫn họ các thủ tục. Quan điểm của chúng tôi là tạo điều kiện hết mức để sớm giúp họ trở về quê nhà. Các Ban, Bộ hiện đang tìm cách thì phía huyện cũng không thể chậm trễ được”, bà Thảo nói.

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (111)