DOANH NGHIỆP

Nhà đầu tư chưa hết giận dữ vì pha “bẻ lái” của Đất Xanh, chuyên gia nói điều bất ngờ…

Kỳ Văn

Sau phiên “bẻ lái” bất ngờ của Đất Xanh (HoSE: DXG) về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, cổ phiếu DXG đã có hai phiên quay đầu tăng mạnh (1 phiên tăng trần), song những gì còn lại với giới đầu tư vẫn chỉ là sự giận dữ, cho rằng bị “đánh úp” bởi chính lãnh đạo DN này…

Trong phiên giao dịch sáng nay 14/6, cổ phiếu DXG tăng lên 25.550 đồng/CP. Đây cũng là phiên thứ 2 cổ phiếu DXG tăng mạnh sau cú "bẻ lái" đi vào… lòng người hôm 11/6 của lãnh đạo DN này.

Đất Xanh đã điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo hướng cân bằng hơn, giảm bất lợi cho cổ đông hiện hữu, tăng lợi ích cho công ty (Ảnh: Đất Xanh)

"Bẻ lái" để hài hòa lợi ích hay pha… "đánh úp" nhà đầu tư (!?)

Trước đó, ngày 4/6, Đất Xanh công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, trong đó có tờ trình thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2021.

Cụ thể, theo tờ trình này, Đất Xanh đề xuất phương án phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phần (chiếm 38,59% lượng cổ phiếu đang lưu hành) với giá chào bán thấp hơn 20% so với mức trung bình của 20 phiên giao dịch liên tiếp gần nhất trước khi được ĐHĐCĐ chấp thuận. Đồng thời, Đất Xanh cũng dự kiến phát hành 7 triệu cổ phiếu ưu đãi ESOP giá… 0 đồng cho cán bộ nhân viên.

Thông tin này khi vừa được công bố, ngay lập tức gây ra phản ứng tiêu cực trên thị trường, dẫn đến cổ phiếu DXG liên tục đỏ sàn (5 phiên liên tiếp, trong đó có 2 phiên giảm kịch sàn). Từ mức giá 28.900 đồng/CP trong ngày 3/6, giảm xuống còn 23.600 đồng/CP ngày 10/6.

Đà bán tháo cổ phiếu DXG càng được đẩy mạnh khi xuất hiện thông tin ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc DXG - đã bán 690.000 cổ phiếu DXG. Thời gian giao dịch trong hai ngày 3/6 và 4/6/2021, ngay vùng "đỉnh" của cổ phiếu DXG. Theo dữ liệu cho thấy, có khoảng hơn 100 triệu cổ phiếu đã bị bán tháo.

Tuy nhiên, bất ngờ là phiên giao dịch 11/6, HĐQT Tập đoàn Đất Xanh đã ban hành nghị quyết điều chỉnh cơ bản phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Theo đó, Đất Xanh bổ sung phương án phát hành cổ phiếu thưởng (trả cổ tức bằng cổ phiếu), với tỷ lệ là 15% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian thực hiện dự kiến là quý 3/2021.

Đồng thời, đối với phương án phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu thì giá phát hành được xác định từ mức chiếu khấu 10% đến 15% thay vì 20% theo phương án cũ. Và giá phát hành cũng được định giá là không thấp hơn 20.000 đồng/CP.

Riêng đối với phương án 7 triệu ESOP, Đất Xanh cũng quyết định đã được điều chỉnh giá thành 10.000 đồng/CP thay vì giá 0 đồng như phương án trước đó. Thời gian phong tỏa cũng được xác định rõ là 2 năm thay vì 5 năm như phương án trước đó.

Từ mức giá 28.900 đồng/CP trong ngày 3/6, cổ phiếu DXG giảm xuống còn 23.600 đồng/CP ngày 10/6, trước khi phương án "bẻ lái" được công bố (Ảnh chụp màn hình giao dịch của cổ phiếu DXG)

Ngay khi DXG ra nghị quyết "bẻ lái" này, cổ phiếu DXG lập tức tăng trần, từ mức giá 23.600 đồng/CP lên mức giá 25.250 đồng/CP, và hiện tại là 25.550 đồng/CP. Nhưng cũng chính bởi quyết định "bẻ lái" này, lãnh đạo DXG đã tạo ra làn sóng phẫn nộ của giới đầu tư trên các diễn đàn chứng khoán. Có 2 xu hướng bình luận về việc này.

Thứ nhất, một nhóm nhà đầu tư (không bán ra, hoặc không kịp bán vì sàn nghẽn lệnh…) vui mừng vì cổ phiếu DXG lại tăng mạnh sau khi có những thông tin về kế hoạch kinh doanh dài hạn, về khả năng mua thêm quỹ đất… Thậm chí đánh giá lãnh đạo DXG đã ghi nhận phản ánh từ thị trường, cổ đông. Từ đó điều chỉnh phương án cân bằng hơn, giảm bất lợi cho cổ đông hiện hữu, tăng lợi ích cho công ty nhờ tăng giá bán cố phiếu phát hành thêm.

Trong khi đó, một nhóm các nhà đầu tư khác (chiếm đa số) lại đánh giá đây là hành động… "úp sọt" nhà đầu tư của Đất Xanh, cho rằng có dấu hiệu của tình trạng "giao dịch nội gián", thậm chí là có sự cấu kết với đội lái để "vợt hàng" từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ (!?)… Và dẫn chứng cho những nhận định này, là ngay trong hai phiên ngày 8/6 và 9/6 khi cổ phiếu giảm kịch sàn, hơn 60 triệu cổ phiếu đã được mua gom.

Câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư đã dựa vào điều gì để mạo hiểm mua cổ phiếu ngay vùng "đáy của đáy" để hưởng lợi?

Tất nhiên, câu chuyện đằng sau đó là gì thì không có căn cứ để phân định, nhưng rõ ràng niềm tin của giới đầu tư với DXG một lần nữa lại bị ảnh hưởng.

Chuyên gia chứng khoán nói gì?

Mang câu chuyện về việc "bẻ lái" của Đất Xanh hỏi các chuyên gia chứng khoán, Dân Việt nhận được khá nhiều câu trả lời từ nhiều góc cạnh liên quan đến cổ phiếu DXG.

Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng để bình luận về vấn đề này hơi khó, vì mình không ở trong ruột nên không biết được. Tuy nhiên, ông Phương lưu ý các nhà đầu tư nên cố gắng theo dõi sát sao các báo cáo tài chính của DN, vì số liệu sẽ không biết… "nói dối".

"Cho dù số liệu được chủ đích công bố ra hay thế nào đi nữa thì ít nhiều đó cũng là con số thật. Đặc biệt, nhà đầu tư nên cố gắng xem các báo cáo tài chính đã thông qua kiểm toán, chứ đừng coi những báo cáo công bố chưa được kiểm toán, bởi chưa có sự xác nhận của kiểm toán thì báo cáo còn có thể điều chỉnh được. Các nhà đầu tư nên đọc các báo cáo kiểm toán để nắm rõ về DN hơn là chỉ nghe những công bố này nọ", ông Phương nói.

Cổ phiếu DXG đã tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng 14/6 (Ảnh chụp màn hình trên trang Cafef.vn)

Còn theo ông Trần Bá Duy, giám đốc môi giới Công ty CP Chứng khoán VPS (VPS Securities), thì chỉ nhận xét ngắn gọn: Câu chuyện của Đất Xanh thì từ xưa đến nay là vậy (!?).

Theo ông Duy, câu chuyện của cổ phiếu DXG đối với nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì lạ lẫm chứ với nhà đầu tư lâu năm thì đã quá hiểu DXG, kiểu ra tin rồi đập xuống sàn, rồi kéo lên lại là chuyện hết sức bình thường.

"Thực tế, lãnh đạo của DXG từ xưa đến nay cũng không chú ý nhiều đến lợi ích cổ đông mà chủ yếu là chú ý đến lợi ích doanh nghiệp và một số đối tác chiến lược của mình", ông Duy nói.

Còn theo lãnh đạo một công ty chứng khoán khác, khi nói về Đất Xanh thì chỉ ngắn gọn: "Đặc trưng của Đất Xanh là cổ phiếu mang nặng yếu tố của đội đánh không à, thông tin này với người mới còn gây sốc chứ với nhà đầu tư lâu năm thì quá… quen rồi".