ĐỜI SỐNG TIÊU ĐIỂM

Nhân viên bị chủ quán lẩu đánh biến dạng mặt: Vì sao thương tích dưới 11% vẫn khởi tố?

Admin

Thấy công việc tại quán lẩu nướng không phù hợp, nam thanh niên xin nghỉ việc thì bị chủ quán cùng 3 nhân viên khác bắt giữ, đánh đập đến biến dạng mặt.

Nhân viên quán lẩu bị đánh hội đồng đến biến dạng mặt

Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích để điều tra, làm rõ hành vi của N.D.T (39 tuổi), H.T.T (19 tuổi), N.N.P (17 tuổi) và T.Q.V (19 tuổi) về việc hành hung, đánh đập anh T.H.G (29 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) đến biến dạng mặt.

Mặt anh G. biến dạng, tai chảy máu sau khi bị đánh hội đồng. Ảnh: NVCC

Giám định thương tích, nạn nhân bị gãy xương sườn VI bên trái (tỷ lệ thương tích 2%); tràn khí, tràn máu màng phổi trái kèm xẹp phổi (thương tích 5%) và các vết thương phần mềm (không có tỷ lệ tổn hại sức khỏe). Tổng tỷ lệ thương tích đối với nạn nhân sau vụ việc là 7%.

Theo tố cáo, cuối tháng 5, anh G. xin vào làm việc tại quán lẩu nướng T.B (T. là chủ quán). Sau thời gian làm việc, thanh niên này cảm thấy không phù hợp nên xin nghỉ.

Ngày 16/6, anh G. đề nghị nghỉ việc và xin lại chứng minh nhân dân cùng số tiền gần 500 nghìn đồng mà quán đang giữ. Chủ quán khi đó bảo nghỉ thì ngày 10/7 mới có lương, còn giấy tờ và tiền nợ vài hôm nữa qua nhà chủ quán để lấy.

Ngày 22/6, anh G. đến nhà của chủ quán ở ngõ 278 Thái Hà, quận Đống Đa để lấy đồ thì bị nhốt, khóa trái cửa bên trong. Sau đó chủ quán cùng 3 nhân viên hành hung anh Giang khoảng 30 phút, mặc cho nạn nhân van xin.

Sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân đến trụ sở Công an phường Trung Liệt trình báo vụ việc. Đi cùng anh G. là một tài xế xe công nghệ chứng kiến vụ việc.

Vì sao thương tích dưới 11% vẫn bị khởi tố?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của chủ quán và những đồng phạm thể hiện bản tính hung hăng, côn đồ, coi thường sức khoẻ và tính mạng của người khác.

Pháp luật về lao động quy định việc giao kết hợp đồng lao động có thể bằng văn bản hoặc bằng miệng, trong khi đó, việc chủ quán giữ chứng minh thư và 500 nghìn đồng của nạn nhân đã có dấu hiệu vi phạm quy định về "hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động" được nêu tại khoản 1, 2, Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019.

Cụ thể điều luật này quy định, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Bởi vậy, cơ quan thanh tra về lao động và phía chính quyền có thể xem xét xử phạt vi phạm về sử dụng lao động đối với cơ sở kinh doanh này.

Theo luật sư Khuyên, đối với hành vi hành hung nạn nhân của chủ quán và 3 người khác, theo thông tin ban đầu thấy đã có dấu hiệu cấu thành tội "Cố ý gây thương tích quy định" tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Xuất phát từ lý do nhỏ nhặt nhưng các đối tượng đã rất hung hãn ra tay đánh đập nạn nhân, mặc cho nạn nhân kêu xin.

Vì thế có thể xác định hành vi của các đối tượng có tính chất côn đồ, nên kể cả thương tích của nạn nhân dưới 11% và nạn nhân đã có đơn trình báo là đủ căn cứ để xem xét việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng liên quan.

Vị luật sư cho rằng, nếu bị khởi tố bị can và bị chứng minh có tội, chủ quán có thể bị xem xét xử lý với vai trò chủ mưu cầm đầu, còn những người tham gia đánh đập nạn nhân sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực.

Khung hình phạt các đối tượng có thể đối mặt nếu bị chứng minh có tội là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tùy tính chất mức độ.