ĐỜI SỐNG

Nhật ký bác sĩ: 'Thèm canh nóng, cá kho... ăn với gia đình'

Admin

Thèm lắm bữa canh nóng, cá kho, thịt luộc... được ngồi với người thân trong gia đình; Thèm lắm cảm giác về nhà vô phòng tắm rộng thênh thang mở vòi sen...

Điều dưỡng Thái Thị Thu Hà, công tác tại Phòng khám Trung tâm tim mạch – Bệnh viện Đà Nẵng là một trong hàng ngàn người vừa cách ly, vừa thực hiện các công tác phòng chống dịch trong bệnh viện.

Trên facebook cá nhân, điều dưỡng Hà liên tục cập nhật những dòng nhật ký lay động triệu con tim. Điều dưỡng Hà đã cho phép chúng tôi trích đăng những dòng này, không phải để kể công hay than khổ, chỉ đơn giản là sự sẻ chia.


Phút giây nằm nghỉ ngơi và tự cách ly theo dõi sức khoẻ chính mình của các y bác sĩ trong Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ.

“26-7:

Nhận được tin phải lên bệnh viện mặc dầu là ngày cuối tuần, chúng tôi đi theo mệnh lệnh và phải cách ly theo yêu cầu 14 ngày của bệnh viện.

Mọi thứ thật bất ngờ và bối rối, tôi cũng chưa kịp chuẩn bị quần áo tư trang như được thông báo, cứ thế ở lại bệnh viện chờ xét nghiệm từng người một. Đêm đầu tiên nôn nao lo lắng vì thông tin COVID-19 đã quay trở lại và chúng tôi có nguy cơ tiếp xúc.

Đêm nay có lẽ là đêm đáng nhớ nhất trong hành trình hành nghề y của mỗi người chúng tôi. Không ai ngủ được, cứ mỗi người một góc nhắn tin qua lại hỏi thăm tình hình của nhau. Gọi điện thoại về trấn an gia đình rằng “không sao mọi thứ ổn” vì việc cách ly quá bất ngờ nên không ai chuẩn bị tâm lý xa gia đình.


Và khi tham gia chữa trị. Ảnh: THU HÀ.

27-7:

Chờ đợi kết quả xét nghiệm, chờ thông báo từ cấp trên, điện thoại liên tục đổ chuông và những dòng tin nhắn liên tục đến để hỏi thăm.

Tối nay 0 giờ lại có lệnh phong tỏa các tuyến đường đến bệnh viện nên người thân tức tưởi lo đi mua thêm đồ cá nhân gửi vô cho chúng tôi. Cứ như chạy giặc mọi người ạ. Chúng tôi cố ngủ trong lo lắng và mệt mỏi.

28-7:

Chúng tôi đếm từng ngày không phải vì mệt mỏi, vì chỉ mong sau 14 ngày mọi thứ bình yên, mọi người được bình an về với gia đình, về với những đứa con bé bỏng của mình.

Đêm đầu tiên cách ly có những mẹ đã khóc vì nhớ con. Bầu sữa cương cứng vì không được cho con bú. Con thì nhớ mẹ gọi điện thoại liên tục. Có những cặp vợ chồng công tác cùng bệnh viện, phải gửi con cho nội ngoại.

Có những bà bầu không ngủ được vì nghén, bụng to, đi không nổi. Mọi thứ thật khó khăn nhưng chúng tôi đồng lòng vì đại dịch. Hàng cứu trợ từ người thân và những mạnh thường quân làm ý chí của chúng tôi càng thêm mạnh mẽ hơn nữa.

Cố lên người bạn bé nhỏ đồng hành cùng tôi qua mùa dịch này nhé. Tôi biết bạn sẽ là người kiên cường khi ra đời đấy. Tập làm quen dần với nghề của mẹ đi con nhé. Cố lên Bống ơi!


Những phút thảnh thơi vui vẻ và tự tin để cùng nhau vượt qua dịch bệnh lúc này. Ảnh: THU HÀ.

29-7:

Chờ đợi xét nghiệm lần hai, nghĩ ngày về còn xa lắm vì COVID-19 lại lan rộng.

Chúng tôi giống đi lính thời chiến vậy đó. Đoạn đường từ bên kia cầu đa khoa qua bên trung tâm tim mạch hoặc từ khoa này qua khoa khác rất nhiều “địch” và “bẫy” của “kẻ thù” nên phải trang bị bảo hộ từ đầu tới chân.

Bình thường chỉ cần thấy sau lưng đồng nghiệp là la lên: “Ê đi mô đó, ừ tui đi lãnh thuốc, tui đi ký giấy tờ...”. Giờ, bộ đồ màu xanh khiến chúng tôi không còn nhận ra nhau nữa rồi.

Bình thường gặp nhau sẽ tụm ba tụm bảy nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời, thì bây giờ thấy nhau phải lầm lũi bước đi như những cái bóng.

Thèm lắm bữa canh nóng, cá kho, thịt luộc... được ngồi với người thân trong gia đình. Thèm lắm cảm giác về nhà vô phòng tắm rộng thênh thang mở vòi sen tắm phát mát lạnh. Còn ở bệnh viện, vòi sen thay bằng vòi xịt bồn cầu.

Sáng dậy, thấy mắt đồng nghiệp đỏ và sưng, tôi hỏi thì cô ấy nói: “Đêm qua ngủ dưới đất con gì cắn sưng mắt”. Nhưng tôi biết, đêm qua cô ấy nhớ con, khóc liên tục vì tôi cũng đã từng như vậy”.

“Em khóc xíu được không mọi người”

"Nhóm chúng tôi cũng có người dương tính, nhận được kết quả phải cách ly đến nơi khác. Lòng lo lắng cho mình không bao nhiêu nhưng lại lo cho ba mẹ và những người tiếp xúc với mình rằng họ có sao không, có bị lây nhiễm bởi mình không? Rồi hàng xóm ánh mắt kỳ thị, lo lắng bởi họ tiếp xúc với mình.

Vì thế mọi người ơi, đừng xa lánh chúng tôi chỉ vì chúng tôi là nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. Chúng tôi cũng vì người bệnh, vì tất cả mọi người mà bỏ gia đình đến bệnh viện cách ly và chống dịch.

Chúng tôi ở đây có gì xài nấy. Có người nằm trên chiếc giường nhỏ chỉ đủ vừa tấm lưng, chỉ cần nghiêng qua là rớt xuống đất. Tiếng muỗi vo ve bay trong đêm như tiếng nhạc vỗ về giấc ngủ... Vì thế mọi người hãy vì chúng tôi mà ở yên trong nhà.

Thương lắm đồng nghiệp của tôi khi nói: “Em khóc xíu được không mọi người, vì thực sự em rất mệt. Em không biết sẽ gồng được bao lâu...”.

Điều dưỡng Thái Thị Thu Hà