KINH TẾ

Nhiều dư địa cho chè Việt Nam tại thị trường Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á

Kỳ Văn

Người dân Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á có nhu cầu sử dụng chè lớn, tạo nên nhiều dư địa cho chè Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.

Chè Lai Châu đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á. (Nguồn: Báo Công Thương)

Gần một nửa trong số 15 quốc gia nhập khẩu chè hàng đầu thế giới năm 2020 đều thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á như Pakistan (589,8 triệu USD), Saudi Arabia (243,6 triệu USD), Iran (236,3 triệu USD), Morocco (202,3 triệu USD), Ai Cập (197,2 USD), UAE (164,9 triệu USD), Iraq (134,7 triệu USD).

Người dân Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á có nhu cầu sử dụng chè lớn, tạo nên nhiều dư địa cho chè Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam sang khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

Kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường Trung Đông năm 2020 đạt 13,7 triệu USD, các thị trường chính là Iraq (5,6 triệu USD), Saudi Arabia (4,1 triệu USD), UAE (2,6 triệu USD).

Xét trong tổng kim ngạch nhập khẩu chè của các nước này, khả năng xuất khẩu của Việt Nam chiếm 4,1% tại Iraq, 1,6% tại Saudi Arabia và 1,5% tại UAE.

Trong số các sản phẩm chè của Việt Nam, chè của tỉnh Lai Châu có nhiều thế mạnh phù hợp để xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á bởi chất lượng chè đặc biệt do trồng ở địa hình vùng núi cao với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp (khoảng 1600m-1700m so với mực nước biển); Tỉnh có nhiều dòng sản phẩm chè đa dạng, có nhiều doanh nghiệp đang sản xuất hơn 10 loại chè khác nhau như chè đen, chè xanh, chè shan, chè Oolong, chè matcha, chè Bao Chung, chè Sencha, chè trắng cổ thụ và hồng trà cổ thụ cao cấp…

Các doanh nghiệp của tỉnh luôn tích cực chủ động đổi mới dây chuyền sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và cải tiến mẫu mã; Sản phẩm chè tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ trồng chè, thu hái, bảo quản cho đến chế biến; đã đạt các bộ tiêu chuẩn Organic, Halal, GMP, Rainforest Alliance…

Nhiều doanh nghiệp chè đã xuất khẩu thành công và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)… Một số sản phẩm chè của tỉnh đã xuất hiện ở các thị trường Trung Đông và Nam Á, cụ thể như Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Với những lợi thế trên, tỉnh Lai Châu dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng chè từ khoảng 8.877 ha hiện nay lên 10.000 ha vào năm 2025.

Nhằm hỗ trợ ngành chè của tỉnh Lai Châu tiếp cận và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với tỉnh Lai Châu và các đối tác tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á tổ chức Hội thảo “Tăng cường xuất khẩu sản phẩm chè của tỉnh Lai Châu vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á” vào ngày 15/6 tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chè của tỉnh Lai Châu cập nhật thông tin về thị trường chè ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á, làm rõ các yêu cầu đặc thù của khu vực (về sở thích và thị hiếu người dân, văn hóa, tôn giáo…), qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hình thức quảng bá và phát triển sản phẩm phù hợp, có tính cạnh tranh cao; Xây dựng cơ chế lâu dài giúp kết nối doanh nghiệp chè của tỉnh Lai Châu với đối tác ở khu vực nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu chè của tỉnh sang thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Đồng thời, hỗ trợ đối tác trong khu vực (Hiệp hội, doanh nghiệp nhập khẩu chè, siêu thị…) có thông tin đầy đủ, chính xác về thị trường và các doanh nghiệp xuất khẩu chè uy tín của Việt Nam nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng; Tìm biện pháp giải quyết khó khăn trong kênh thanh toán đối với các thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

Hội thảo sẽ được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, dự kiến thu hút khoảng 100 đại biểu là đại diện các Cục, Vụ của Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á; đại diện các Sở, ngành, lãnh đạo tỉnh Lai Châu; các doanh nghiệp, ngân hàng, hiệp hội...

Tại Hội thảo sẽ trưng bày quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển trên các lĩnh vực, các sản phẩm về chè và sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Lai Châu.

Lai Châu là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp là hơn 526.000ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Ngoài đất, Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu với 3 đới khí hậu rõ rệt. Đới khí hậu nóng, ẩm dưới 600m: thích hợp cây nhiệt đới. Đới khí hậu mát, ẩm có độ cao từ 600 - 1.000m: thích hợp cây á nhiệt đới. Đới khí hậu ôn đới cao trên 1.000m: thích hợp cây ôn đới và nhiều dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, đỗ trọng, đương quy, tam thất...

Vì vậy bên cạnh cây chè, Lai Châu còn tập trung đẩy mạnh cây mắc ca, với các giống tuyển chọn như 246, 816, 849, OC, QN...