Báo cáo của nhóm khảo sát do Công đoàn ĐHQG TP HCM chủ trì thực hiện cho biết cuộc khảo sát có sự tham gia của 1.400 nữ CN độ tuổi từ 17 đến 61 ở gần 180 doanh nghiệp (DN) và cán bộ Công đoàn các DN này. Theo báo cáo, thu nhập bình quân của nữ CN khoảng 6,8 triệu đồng/tháng, trong đó 21,5% có thu nhập cá nhân trung bình từ 5 triệu đồng trở xuống, 60,1% có thu nhập từ 5-8 triệu đồng; 15,9% thu nhập từ trên 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng và 2,5% có thu nhập trên 12 triệu đồng. Đáng lưu ý, thu nhập trung bình của nữ CN trong DN nhà nước cao nhất (trên 7,8 triệu đồng/tháng), kế đến là DN có vốn đầu tư nước ngoài (gần 7,6 triệu đồng/tháng) và thấp nhất là trong DN có vốn đầu tư trong nước (6,5 triệu đồng/tháng). Kết quả phân tích ở nhóm CN có gia đình và gia đình có 2 người trở lên cho thấy chi phí trung bình của gia đình hằng tháng khoảng 11,7 triệu đồng, trong khi thu nhập trung bình của gia đình chỉ đạt 12,6 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy vấn đề tài chính của gia đình nữ CN may ở TP khá eo hẹp. Kết quả khảo sát cho thấy 3 khoản chi phí lớn nhất chiếm gần 72% của tổng chi phí gia đình là chi phí sinh hoạt hằng ngày, chi phí học hành cho con cái và chi phí tiền nhà.
Góp ý cho nhóm khảo sát, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ thêm yếu tố tác động của tuổi nghề và quá trình thay đổi công nghệ ngành dệt may sẽ tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của nữ CN thế nào. Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đề nghị nhóm khảo sát tăng cường thêm đề xuất chính sách ưu tiên dành cho nhóm đối tượng nữ CN, trước mắt thông qua các thỏa ước lao động tập thể của nhóm ngành nghề; các quy định liên tịch của tổ chức Công đoàn và các cơ quan quản lý nhà nước để chăm lo cho nữ CN về suất ăn giữa ca; chính sách hỗ trợ nếu DN không có nhà lưu trú cho CN; chính sách của TP HCM với nhóm lao động nữ thế nào, chẳng hạn như ưu tiên bán, cho thuê nhà ở xã hội với lao động nữ, vì tỉ lệ nữ là mẹ đơn thân theo nhóm khảo sát lên tới 8,1%.