Nuôi con mỗi ngày chỉ ăn một bữa, anh trai miền Tây thu lãi 800 triệu đồng mỗi năm |
Trước khi “bén duyên” với con cua đinh, anh Trần Minh Quan (42 tuổi, ngụ tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, Cần Thơ) từng có 4 năm gắn bó nghề nuôi ba ba sinh sản. Thấy ba ba khó nuôi, dễ nhiễm bệnh và giá bấp bênh, anh quyết định chuyển hướng.
Năm 2011, sau khi tìm hiểu, thấy cua đinh là loài hoang dã, sức đề kháng mạnh, giá bán cao…, anh quyết định mua 100 con giống về nuôi.
“Khi đó, cuộc sống khó khăn, tôi nuôi ba ba lỗ liên tục nên tiền tích lũy chẳng được bao nhiêu. Hai vợ chồng gom hết vốn liếng được 30 triệu đồng, tôi vay thêm 20 triệu đồng nuôi cua đinh. Ai cũng cho rằng tôi làm liều quá, bởi địa phương lúc đó chưa ai nuôi cua đinh”, anh Quan kể.
Nhờ kinh nghiệm sẵn có từ nuôi ba ba, anh áp dụng vào nuôi cua đinh và đạt hiệu quả. Tận dụng đất vườn nhà, ban đầu anh dựng bể xi măng. Sau đó, anh nảy sinh ý tưởng xây bể xi măng âm dưới đất để đỡ tốn công thay nước hằng ngày.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, anh Quan chi thêm 50 triệu đồng mua 100 con giống về nhân đàn. “Vốn đầu tư nuôi cua đinh nặng lại lâu thu hồi. Do đó, để đỡ tốn chi phí, hằng đêm, vợ chồng tôi đi đặt lú kiếm thức ăn cho chúng. Những năm đầu, thu nhập thấp lắm. Song tôi nhận định về lâu về dài thu nhập sẽ càng tăng nên quyết tâm gắn bó”, anh Quan chia sẻ.
Trại nuôi cua đinh của anh Quan |
4 năm đầu là quãng thời gian anh Quan vất vả vì chi phí phải bỏ ra nhiều nhưng cua đinh chưa đủ lớn để xuất bán. Khi cua đinh cái đủ sức sinh sản, kinh tế gia đình anh được cải thiện dần.
Mỗi cua đinh cái có thể đẻ từ 3 đến 4 ổ. Số lượng trứng tăng theo độ tuổi của cua đinh cái, dao động từ 7 đến gần 20 trứng.
"Cua đinh đẻ trứng ở hộc cát xong tôi lựa ra. Trứng nào có trống thì ấp riêng trong thau, ấp trong 105 ngày trứng mới nở, sau đó nuôi tiếp khoảng 45 ngày để đạt kích cỡ 5 cm/con thì xuất bán cua giống", chủ trại cua đinh nói và chia sẻ thêm, lúc cua đinh còn tơ, tỷ lệ nở chỉ đạt 50%. Về sau, khi nắm được kỹ thuật, anh Quan có thể cho ấp đạt trên 95%.
Đến nay, anh Quan sở hữu trại nuôi cua đinh gồm hơn 200 con bố mẹ (mỗi con nặng 20 - 25 kg) cùng hàng ngàn con giống, hậu bị và con thịt. Bể nuôi cua đinh thịt được nuôi theo dạng quần thể. Riêng bể nuôi sinh sản chia thành 18 hộc nhỏ, mỗi hộc có chiều dài 1,5 - 2 m, nuôi ghép 4 con cái với 1 con đực.
Để mô phỏng môi trường sống hoang dã của cua đinh, anh Quan cho đất sình, lục bình, bèo vào mỗi bể nuôi. Theo anh Quan, cua đinh nuôi năm đầu tiên rất chậm lớn, từ năm thứ 2 trở đi mới lớn nhanh. Theo lời anh Quan, so với ba ba thì cua đinh ăn ít. Mỗi ngày anh chỉ cho cua đinh ăn vào buổi sáng. Thức ăn chủ yếu là ruột vịt, cá vụn. Riêng cua sinh sản thì cách ngày mới cho ăn một lần, tránh tình trạng cua bị béo dẫn đến khó sinh sản.
Thức ăn chủ yếu của cua đinh là ruột vịt, cá vụn |
Dù trải qua 2 năm dịch bệnh nhưng cua đinh vẫn giữ mức giá khá cao trên thị trường. Cua đinh giống có giá 400.000 đồng/con, cua thịt giá từ 600.000 đồng/kg (chủ yếu bán cho nhà hàng).
Mỗi năm anh Quan xuất khoảng 1.800 con cua đinh giống ra thị trường, phân phối ở các tỉnh miền Tây. Trừ hết chi phí mỗi năm anh lãi từ 700 - 800 triệu đồng.
Anh Quan cho hay, với số lượng con giống hiện tại trại giống của anh chưa cung cấp đủ nhu cầu mua giống của bà con ở một số tỉnh như: Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp… Thời gian tới, anh Quan dự định mở rộng thêm ao nuôi cua đinh thịt với khoảng 10.000m2 theo mô hình bán hoang dã và thành lập HTX nuôi cua đinh có liên kết với các hộ dân trong địa phương để bao tiêu đầu ra.
Ông Vương Tấn Tài, Trưởng ấp Tân Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền cho biết, hộ gia đình anh Trần Minh Quan tại địa phương tiêu biểu cho nông dân thoát nghèo nhờ mô hình nuôi cua đinh. Hằng năm, gia đình nông dân này cung cấp giống cho thị trường từ 1.800 - 2.000 con giống và bán cua đinh thịt mang về thu nhập cho gia đình anh Quan gần 1 tỷ đồng mỗi năm