TIÊU ĐIỂM

Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước

Tuyết Trang

Cần nghiên cứu, đề xuất gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Ảnh minh họa

Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng giao cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu, về cơ bản, kế hoạch đầu tư phát triển của các doanh nghiệp nhà nước năm 2024 đã bám sát các nội dung, định hướng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dự kiến tập trung đầu tư, triển khai một số dự án trọng điểm nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng theo chiến lược, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, tập trung phát triển những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính, có thế mạnh để triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển đã được phê duyệt. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả khả quan, bảo đảm được đời sống, thu nhập của người lao động.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ước đạt 823,2 nghìn tỷ đồng, bằng hơn 60% kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 28,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch năm và tăng 33% so với cùng kỳ. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 70,7 nghìn tỷ đồng, đạt gần 62% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp nhà nước cơ bản bám sát và hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển theo kế hoạch được phê duyệt; doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản, áp dụng mô hình quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty đã đi đầu trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cao...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước còn bộc lộ một số hạn chế, đó là vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư đến hết tháng 5/2024 của nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn chưa đạt kế hoạch phê duyệt. Hiệu quả đầu tư của một số doanh nghiệp trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng. Đáng lưu ý, các dự án mới của doanh nghiệp nhà nước được triển khai và thực hiện rất ít trong giai đoạn vừa qua.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều này có thể dẫn đến năng lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới không theo kịp xu hướng phát triển của đất nước, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.

Kiến nghị giải pháp trọng tâm nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trước hết vẫn là thống nhất quan điểm tiếp tục xác định doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chất lượng đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước cần được xác định là giải pháp trọng tâm, liên tục; đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cần thay đổi một cách thực chất. Yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh gia tăng áp lực cũng như xu thế phát triển bền vững và xanh hóa nền kinh tế, là phải đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn, tiên phong trong thực hiện các cam kết giảm phát thải tại COP26 và bắt kịp những xu thế mới của nền kinh tế thế giới.

Về phía các cơ quan điều hành, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần khẳng định mạnh mẽ hơn, thể hiện bằng hành động cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, quan trọng là phải đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện triệt để nguyên tắc phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra giám sát, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước, tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu, đề xuất gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Đó là những giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 6 tháng cuối năm của doanh nghiệp nhà nước, từ đó đóng góp vào tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về kết quả sản xuất, kinh doanh của nhóm doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn (60 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con) trong giai đoạn 2020-2023, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình có xu hướng tăng từ 9% năm 2020 lên 15% năm 2022 và giảm xuống 10% vào năm 2023; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) dao động từ mức 4-6%. Các doanh nghiệp có ROE và ROA cao nhất là Tập đoàn Viễn thông quân đội; Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam…

(Nguồn: Bộ Tài chính)