Bất chấp các thông tin tiêu cực dồn dập về đại dịch COVID-19, thị trường tiếp tục có ngày giao dịch tích cực khi cả ba sàn chốt phiên 31/5 đều đóng cửa tăng điểm. Cụ thể, VN-Index tăng 7,59 điểm (0,57%) lên 1.328,05 điểm. HN-Index tăng 7,39 điểm (2,38%) lên 317,85 điểm. UPCOM tăng 2,66 điểm (3,09%) đạt 88,77 điểm.
Đáng chú ý, thanh khoản trên 3 sàn đạt gần 32.000 tỷ đồng. Trong đó, HOSE đạt 25.458 tỷ đồng; HNX là 4.416 tỷ đồng; và UPCOM là 2.164,4 tỷ đồng. Đây đều là các con số kỷ lục của cả 3 sàn.
Nhóm tài chính, đặc biệt là ngân hàng tiếp tục là tâm điểm của thị trường. Vậy thị trường sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới? Nhà đầu tư còn cơ hội giải ngân mua mới cổ phiếu? Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Chung – Giám đốc chi nhánh Sở giao dịch 1 CTCP Chứng khoán MB (MBS) và ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
PV: Tiếp tục là một phiên giao dịch tích cực của VN-Index nhờ sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ông đánh giá thế nào về dư địa tăng trưởng của nhóm này?
Ông Dương Văn Chung: Thời gian qua, nhóm cổ phiếu “lead” sóng thị trường chủ yếu là ngân hàng với mức thanh khoản chiếm 40% - 50% thị trường. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh do một số yếu tố hỗ trợ như lợi nhuận quý I/2021 tăng trưởng; “game” phát hành cổ phiếu tăng vốn; và dòng tiền của nhóm F0.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại đã tương đối đắt, nhiều ngân hàng đã có P/B lớn hơn 2, thậm chí một số ngân hàng có P/B lớn hơn 3. Tôi cho rằng, động lực tăng của nhóm ngân hàng không còn nhiều. Dù vậy, năm nay có một số đặc thù khác đó là “game” tăng vốn của nhóm ngân hàng và đặc biệt là dòng tiền hiện nay của nhóm F0 đang rất khỏe.
Trước đây, tôi từng nhận định sau đà tăng của nhóm ngân hàng, thị trường sẽ điều chỉnh. Nhưng, sau hiện tượng các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh thời gian qua và với phân lớp các cổ phiếu hiện nay, tôi đánh giá thị trường có vài điểm tương đồng năm 2006. Thời điểm đó, với quy mô thị trường khá nhỏ, nhưng lượng tiền từ nhóm F0 cũng rất nhiều (về mặt bản chất giống với hiện tại).
Xét về mặt hỗ trợ thông tin, năm 2006, TTCK được hỗ trợ đà tăng nhờ thông tin Việt Nam tham gia WTO. Còn nay, đó là việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam va các nước khác do chúng ta kiểm soát dịch COVID-19 tốt. Cộng với đó, nhiều định chế tài chính cũng đánh giá rất tốt về Việt Nam.
Ông Nguyễn Thế Minh: Về dư địa cơ bản, các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, tín dụng tiêu dùng có thể tăng, nhưng sẽ có xu hướng giảm dần theo các quý. Theo đó, quý I/2021 có thể là đỉnh của nhóm ngân hàng với nhiều nhà băng có lợi nhuận gấp đôi so với cùng kỳ. Đà tăng trưởng sẽ kéo dài sang các quý sau, nhưng mức tăng sẽ không được như quý I.
Nguyên nhân của việc này là do đa số các ngân hàng trong năm 2020 ghi nhận các khoản thu nhập ngoài lãi tăng đột biến. Trong khi đó, với năm 2021, lợi nhuận ngân hàng chủ yếu dựa vào tốc độ tăng trưởng tiêu dùng. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng có những tác động nhất định tới nhóm ngân hàng.
Với việc dư địa cơ bản bị thu hẹp, tôi đánh giá tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều. Định giá nhóm này cũng không còn rẻ khi P/B của hầu hết các nhà băng đều trên 2 lần. Dù dư địa tăng bị thu hẹp, nhưng dòng tiền vẫn tìm đến các cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng như tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu,....
Vậy sau ngân hàng, nhóm cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt đà tăng của thị trường. Và nhà đầu tư còn cơ hội giải ngân?
Ông Dương Văn Chung: Xét theo phân lớp cổ phiếu, từ năm 2020 đến nay, midcap là nhóm tăng mạnh trước ngân hàng. Nếu xét trong 1-2 tháng trở lại, nhóm ngân hàng tăng mạnh nhất thị trường. Nhưng, xét từ đáy năm 2020, các cổ phiếu midcap gây chú ý khi đã tăng từ 4 đến 5 lần và tạo đỉnh vào tháng 3/2021.
Thị trường sẽ có sự lệch pha khi nhóm ngân hàng điều chỉnh, tiền sẽ chảy vào các midcap.
Đánh giá về triển vọng thị trường trong 1 – 2 tháng tới, tôi cho rằng ảnh hưởng từ nhóm ngân hàng sẽ khiến chỉ số tăng chậm lại. Nhưng, sẽ có rất nhiều cơ hội mở ra.
Nguyễn Thế Minh: Một kịch bản có xác suất cao nhất là VN-Index đạt 1.364 điểm. Với việc chỉ số đang tiệm cận mức này, dư địa tăng giá không còn nhiều. Thời gian tới, trong trường hợp kịch bản này xảy ra, thị trường có thể đối mặt áp lực điều chỉnh sau khi tiến về mục tiêu này. Dòng tiền sẽ có sự phân hóa và dịch chuyển sang bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng.
Nhưng, trong trường hợp dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân nhập cuộc mạnh mẽ vào thị trường như hồi cuối năm 2020, đầu năm 2021, đó có thể là kịch bản lạc quan nhất khi VN-Index đạt 1.700 điểm, P/E 22 lần. Dù vậy, chúng tôi đánh giá xác suất rơi vào trường hợp này chỉ là 25%.
Về chiến lược giao dịch, nhà đầu tư trong giai đoạn này sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu. Tỷ trọng cổ phiếu nên duy trì ở mức 45% - 55% danh mục, không nên dùng đòn bẩy cao và tránh mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng.
Xin cám ơn ông!