PHÁP LUẬT

Tây Ninh: Hám lợi, một phụ nữ bị lừa hơn 900 triệu đồng

Tuyết Trang

Lên mạng xã hội Facebook tìm việc làm, một phụ nữ bị đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo hơn 900 triệu đồng.

Ngày 21/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận trình báo của chị T.T.N. (ngụ thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) về việc, bị đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo, tìm kiếm việc làm qua mạng chiếm đoạt hơn 922 triệu đồng.

Khơi dậy lòng tham

Chiều ngày 20/6, chị T.T.N. đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh trình báo việc chị lên mạng xã hội tìm việc làm và bị đối tượng lừa mất số tiền 922 triệu đồng.

Chị T.T.N. đến cơ quan công an trình báo. (Ảnh: CACC).

Chị N. chia sẻ, do có nhu cầu tìm việc làm, chị đã lên mạng xã hội Facebook tìm kiếm thông tin, thấy một tài khoản Facebook đăng thông tin tuyển nhân sự làm việc ở Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), chị N. đã để lại số điện thoại liên lạc.

Sau đó, một phụ nữ gọi điện đến số điện thoại di động của chị N. để lại, xưng tên Yến Ly, giới thiệu là nhân viên phòng nhân sự của Ngân hàng VPBank chi nhánh Hà Nội. Người này yêu cầu chị N. tải ứng dụng “Microsoft teams” để trao đổi thông tin.

Sau khi thực hiện yêu cầu, chị N. được Yến Ly đưa vào "nhóm 20 sơ tuyển ngân hàng VPBank”. Trong nhóm này, chị N. tiếp tục bị các đối tượng giao nhiệm vụ phải truy cập vào trang wed “thudophattrien.com” rồi tạo tài khoản riêng cho chị N. thực hiện tiếp các nhiệm vụ như: nạp tiền, rút tiền, đặt lệnh...

Ban đầu, để tạo sự tin tưởng của chị N., các đối tượng đã chuyển vài trăm ngàn đồng cho chị N.. Tiếp đó các đối tượng dẫn dụ chị N. dùng tài khoản ngân hàng của mình nạp thêm tiền vào tài khoản mà bọn chúng đưa ra, để chị N. hưởng số tiền cao hơn từ 50%-300%.

Trước số tiền đầu tư ít nhưng hưởng được lợi nhuận nhiều, trong 2 ngày, chị N. đã 8 lần chuyển khoản tổng số tiền 922 triệu đồng cho bọn chúng.

Khi thấy số tiền lớn, chị N. rút tiền thì bọn chúng đưa ra nhiều lý do như: phải đóng thuế, lỗi mạng, nâng cấp tài khoản... để không cho chị N. rút tiền. Đến khi bị chặn liên lạc, chị N. mới biết mình đã bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Chiêu trò lừa đảo mà chị N. mắc phải không còn mới, nhưng vẫn còn nhiều người "dính bẫy".

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tìm việc làm trên mạng xã hội; nếu có nhu cầu tìm việc làm thì nên trực tiếp đến các cơ quan tuyển dụng nhân sự có uy tín nộp hồ sơ đăng ký, tránh bị mất tiền vì sập bẫy bọn lừa đảo.

Đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm

Theo luật gia Nguyễn Văn Khánh, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước cho biết, trong quá trình tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội cũng có rất nhiều lời rao để môi giới hoặc tuyển dụng để làm các công việc.

Tuy nhiên, tìm việc trên mạng thì mọi người không biết rõ được tính xác thực của thông tin dẫn đến bị lừa mất phí đặt cọc, phí môi giới…

Nghiêm trọng hơn nữa, là rơi vào cạm bẫy làm cộng tác viên bán hàng, tiếp thị online rồi bị dẫn dụ tới lừa đảo, bán hàng đa cấp, hàng giả, hàng cấm hoặc là được tuyển dụng làm tư vấn tài chính nhưng thực chất là tiếp tay cho tổ chức cho vay nặng lãi.

Các đối tượng đánh vào lòng tham hám lợi của người dân lên dễ dàng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo luật gia Nguyễn Văn Khánh, để tránh các cạm bẫy, đầu tiên và trên hết mọi người cần phải nêu cao cảnh giác, tự bảo vệ mình. Không nên tin vào những thông tin, địa chỉ không đáng tin cậy, mang tính chất trôi nổi, những lời rao có cánh việc nhẹ lương cao.

Đồng thời, khi có nhu cầu tìm việc, chúng ta nên tìm đến dịch vụ giới thiệu việc làm của địa phương, tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương như Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, Đoàn Thanh niên….

Còn nếu tìm việc không thông qua trung tâm giới thiệu việc làm hay các tổ chức chính trị, xã hội thì mọi người nên liên hệ với những nhà tuyển dụng có địa chỉ, pháp nhân rõ ràng, phải biết được nơi tuyển dụng cụ thể. Đặc biệt, không nên tin vào những lời mời gọi hấp dẫn và không chấp nhận đặt cọc, chuyển tiền trước.

Luật sư Vũ Minh Tiến, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

“Không có chuyện làm việc tại nhà, làm việc online nhẹ nhàng mà lương cao, đa số là bẫy lừa trên mạng, người dân cần nhận thức rõ điều này và hết sức cảnh giác khi tìm các công việc liên quan đến kinh doanh online. Khi đặt mua hàng hóa, làm cộng tác viên kinh doanh online, người dân cần tìm hiểu rõ các thông tin về hàng hóa, địa chỉ công ty, doanh nghiệp mình cộng tác để có thông tin chính xác”, luật sư Vũ Minh Tiến nói.

Đây chỉ là một trong số những trường hợp người dân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sau khi được tuyển làm cộng tác viên làm việc online.

Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra không ít cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều người do cả tin và thiếu hiểu biết nên đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online hoặc cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.

Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường dùng là cho các nạn nhân được hưởng mức hoa hồng cao. Thời gian đầu, với các đơn hàng giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng đầy đủ. Sau đó, với những đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền các nạn nhân ứng ra để nhận sản phẩm của các đơn hàng.

Nhiều người, nhất là những bạn trẻ muốn tìm việc làm thêm hay những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ở nhà rảnh rỗi muốn có thêm thu nhập từ công việc online đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo kiểu này.