TIÊU ĐIỂM

Thành lập TP Thủ Đức, người dân được hưởng lợi gì?

Admin

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc quan tâm người dân thành phố sẽ được lợi gì là vấn đề cần phải đặt lên hàng đầu. Nếu không cẩn thận, dự án phía đông có thể chỉ làm lợi cho nhà đầu tư địa ốc.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chính thức đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP. Thủ Đức (hay còn gọi là Thành phố Phía Đông) thuộc TP.HCM. Đây là lần đầu tiên có dự án "thành phố trong thành phố" tại Việt Nam.

Phía Đông Sài Gòn tương lai sẽ là một thành phố phát triển. Khu vực này (quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2) có tốc độ ứng dụng công nghệ cao, mức độ đào tạo và nghiên cứu khoa học cao nhất cả nước, có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế.

Theo ý tưởng quy hoạch của Sasaki, TP Thủ Đức trong tương lai sẽ có 6 trung tâm quan trọng gồm: (1) Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; (2) Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; (3) Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; (4) Trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TP HCM); (5) Khu công nghệ sinh thái Tam Đa và (6) Khu đô thị tương lai Trường Thọ.

Mục tiêu là để xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh).

Ngoài ra, khu vực này có hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành-Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng…

Do đó, việc sáp nhập 3 quận và hình thành thành phố phía Đông để trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TPHCM và vùng Đông Nam bộ.

Với những mục tiêu đó, Thủ Đức được kỳ vọng là một thành phố đáng sống trong tương lai. Là người ủng hộ thành lập TP Thủ Đức, chia sẻ với Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc quan tâm người dân thành phố sẽ được lợi gì là vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu. Bởi nếu không cẩn thận, dự án phía đông có thể dễ sa vào tình trạng chỉ làm lợi cho nhà đầu tư địa ốc, mà lại tăng gánh nặng cho ngân sách, không mang lại lợi ích cho người dân, như công ăn việc làm, môi trường sống, hạ tầng xã hội…

Do vậy, TP.HCM cần quan tâm đến việc gắn kết trách nhiệm của nhà đầu tư. Nghĩa là nhà đầu tư không thể chỉ phát triển dự án nhà mà phải song song tạo ra hạ tầng xã hội, tiện ích phục vụ cho dân cư. Nhà nước trong vai trò là nhà điều phối để đảm bảo đem lại lợi ích cho mọi người, xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Với vai trò nhà đầu tư, không có lợi họ sẽ không đầu tư. Nhà nước đứng ra điều phối lợi ích này, tránh việc để cho lợi ích đổ về một hướng nhà đầu tư mà không chia sẻ cho người dân, không đóng góp cho ngân sách. Những doanh nghiệp dịch vụ, thương mại thì được mức thuế ưu đãi. Những doanh nghiệp tạo công ăn việc làm sẽ có những chính sách.

Về vốn và hạ tầng, thành phố Thủ Đức đòi hỏi phải đầu tư xây nhiều hạ tầng mới trong hoàn cảnh bị hạn chế về ngân sách của thành phố. Bài toán là phải tìm ra ngân sách để phát triển dự án. Nếu chỉ dựa vào ngân sách công thì chưa chắc đã làm được.

Ông Sơn nhấn mạnh thành phố Thủ Đức trong tương lai đang muốn xây dựng thành phố công nghệ cao, tri thức cao thì cần dân cư có chất lượng cao, trình độ cao. Do đó phải tạo ra môi trường sống thu hút lực lượng này. Không nên phát triển khu đô thị hiện đại mà bên cạnh là khu ổ chuột.

Để thực hiện được dự án xây dựng thành phố phía đông văn minh hiện đại, đóng góp cho trên 1/3 GDP thành phố như lãnh đạo thành phố kỳ vọng, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM phải xây dựng được một chiến lược phát triển tốt, và tổ chức phân kỳ kế hoạch thực hiện các dự án với tính khả thi cao.