ĐỜI SỐNG

Thêm 8.976 người mắc Covid-19, đợt dịch thứ 4 vượt 1 triệu ca

Kỳ Văn

Số ca nhiễm ghi nhận trong nước ở đợt dịch thứ 4 là 1.004.879. Trong đó, 853.394 người được công bố khỏi bệnh.

Ca mắc mới trong ngày là 8.982, ghi nhận tại 56 tỉnh, thành phố. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.033 ca/ngày.Các địa phương có số ca ghi nhận mới cao TP.HCM (1.388), Đồng Nai (813), An Giang (661), Bình Dương (654), Tiền Giang (634), Tây Ninh (517). Số bệnh nhân qua đời là 81 trường hợp. TP.HCM có 42 người. Số bệnh nhân nặng đang được điều trị: 3.515. Trong đó, 14 người được can thiệp ECMO. Trong 24 giờ qua, 1.000.048 liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm.

Ca mới tăng hơn 800

3 tỉnh, thành phố có số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất
Nguồn: Bộ Y tế
Nhãn TP.HCM Đồng Nai An Giang
11/11 F0 1185 930 595
12/11 1388 813 661

Tính từ 16h ngày 11/11 đến 16h ngày 12/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.982 ca nhiễm mới. Trong đó, 6 ca nhập cảnh và 8.976 ca ghi nhận trong nước (tăng 831 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (4.180 ca ngoài cộng đồng).

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.009.879 ca nhiễm. Riêng đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.004.879.

Ngày 11/11, Việt Nam vượt 1 triệu ca nhiễm Covid-19. Hôm nay, đợt dịch thứ 4 cũng vượt mốc này.

Số ca mắc của Việt Nam đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm trên một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.250 ca nhiễm).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-162), Tây Ninh (-139), Đồng Nai (-117).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tiền Giang (+217), TP.HCM (+203), Vĩnh Long (+125).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.033 ca/ngày.

4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (445.203), Bình Dương (242.243), Đồng Nai (76.656), Long An (36.362), Tiền Giang (20.150).

Tình hình điều trị, tiêm vaccine

Về điều trị: Trong ngày 12/11, 10.263 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên 856.211 người. Ngành y tế đang điều trị cho 3.515 F0 thể nặng, với 14 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Cùng ngày, cả nước ghi nhận 81 ca tử vong tại TP.HCM (42), Bình Dương (5), Tiền Giang (5), Long An (4), Kiên Giang (4), Bạc Liêu(4), Đắk Lắk (3), Tây Ninh (3), An Giang (2), Hà Giang (1), Trà Vinh (1), Thanh Hóa (1), Nghệ An (1), Đồng Nai (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Tháp (1), Cần Thơ (1), Cà Mau (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 74 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.930 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca nhiễm.

Về xét nghiệm: Trong 24 giờ qua, ngành y tế đã thực hiện 147.171 xét nghiệm cho 292.234 lượt người. Số lượng xét nghiệm được thực hiện từ 27/4 đến nay là 23.730.130 mẫu cho 63.675.966 lượt người.

Về tiêm chủng: Ngày 11/11 có 1.000.048 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 96.557.452 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 63.682.168 liều, tiêm mũi 2 là 32.875.284 liều.

Sau khi cơ bản kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 tại những điểm nóng như TP.HCM hay Bình Dương, Việt Nam tiếp tục đối mặt với sự tăng lên của các trường hợp nhiễm nCoV ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng khi số ca nhiễm tăng cao, các địa phương sẽ cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từng làm như xét nghiệm, truy vết, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa, từ đó tránh để ổ dịch bùng phát rộng.

Ông Phu cũng nhấn mạnh bên cạnh chính quyền, bản thân người dân trong bối cảnh hiện nay vẫn phải đảm bảo tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. "Nếu lơ là, chủ quan, dịch hoàn toàn có thể bùng phát nghiêm trọng", nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khẳng định.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng các địa phương nên cố gắng bao phủ vaccine cho người dân. Tỉnh nhiều vaccine có thể san sẻ cho địa phương thiếu.

Ông Nga nói thêm: "Trong bối cảnh gấp rút, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, số ca nhiễm lại tăng nhanh, các địa phương nên tính tới phương án cho người nhiễm nCoV không có triệu chứng cách ly tại nhà, tăng cường chăm sóc sức khỏe của họ thông qua túi thuốc điều trị F0, bố trí đội lưu động ở từng khu vực".

Với các ca nhiễm diễn biến nặng, vị chuyên gia này cho rằng địa phương nên bổ sung bệnh viện khi cần thiết, thậm chí kêu gọi thêm y bác sĩ có kinh nghiệm từ tuyến trên.

Làm gì để sống chung với Covid-19? Quy định mới của Bộ Y tế đã chỉ rõ 6 biện pháp để người dân thích ứng an toàn, hiệu quả và kiểm soát tốt dịch Covid-19 trong tình hình mới.