KINH TẾ

Thị trường ngày 1/5: Giá dầu, vàng, thép, quặng sắt đồng loạt giảm, palađi vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce

Kỳ Văn

Chốt phiên giao dịch ngày 30/4, giá dầu, vàng, đồng, thép và quặng sắt đồng loạt giảm, trong khi khí tự nhiên cao nhất 9 tuần, palađi vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce, bạc có tháng tăng mạnh nhất 4 tháng, thiếc cao nhất 10 năm, nhôm cao nhất 3 tháng, nickel cao nhất gần 2 tháng.

Ảnh minh họa

Giá dầu giảm

Giá dầu giảm từ mức cao nhất 6 tuần sau số liệu nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản giảm và mối lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại Ấn Độ - nơi số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng.

Chốt phiên giao dịch cuối tháng ngày 30/4, dầu thô Brent giảm 1,31 USD tương đương 1,9% xuống 67,25 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,43 USD tương đương 2,2% xuống 63,58 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá dầu Brent tăng 1,7% và dầu WTI tăng 2,3%. Cả hai loại dầu có phiên giảm mạnh nhất hơn 3 tuần, song có tháng tăng gần 6% và 8% theo thứ tự lần lượt.

Nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản trong tháng 3/2021 giảm 25% so với cùng tháng năm ngoái xuống 2,34 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, hoạt động nhà máy của nước này tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2018.

Một cuộc khảo sát của Reuters dự báo, giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 64,17 USD/thùng năm 2021, tăng so với 63,12 USD/thùng dự báo tháng trước và sẽ ở mức trung bình 62,3 USD/thùng cho đến nay trong năm nay.

Giá khí tự nhiên cao nhất 9 tuần

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 9 tuần, do dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm trong 2 tuần tới cao hơn so với dự kiến trước đó, xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục và sản lượng khí tự nhiên suy giảm.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York tăng 2 US cent tương đương 0,7% lên 2,931 USD/mmBTU – cao nhất kể từ ngày 22/2/2021. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 7% - tuần tăng thứ 3 liên tiếp – lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Tính chung cả tháng, giá khí tự nhiên tăng 13% sau khi giảm 6% trong tháng trước.

Giá vàng giảm, palađi vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce, bạc có tháng tăng mạnh nhất 4 tháng

Giá palađi tăng vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce – lần đầu tiên- được thúc đẩy bởi mối lo ngại về nguồn cung thiếu hụt.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,1% xuống 1.769,86 USD/ounce, do đồng USD tăng khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác và vàng kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn New York thay đổi nhẹ ở mức 1.767,7 USD/ounce. Tính chung cả tháng, giá vàng tăng 3,7% - tháng tăng đầu tiên trong năm nay.

Giá palađi đạt mức cao kỷ lục 3.0007,73 USD/ounce trong đầu phiên giao dịch và duy trì vững ở mức 2.952,69 USD/ounce. Tính đến nay, giá palađi tăng 20% kể từ ngày 16/3/2021, khi Nornickel Nga – nhà sản xuất hàng đầu – thông báo lũ lụt tại 2 mỏ khai thác sẽ làm giảm sản lượng.

Giá bạc giảm 0,8% xuống 25,88 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tháng giá bạc tăng 6% - tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2020.

Giá đồng giảm, thiếc cao nhất 10 năm, nhôm cao nhất 3 tháng, nickel cao nhất gần 2 tháng

Giá đồng giảm dao động dưới ngưỡng 10.000 USD/tấn do đồng USD tăng và một số nhà đầu tư bán ra chốt lời.

Giá đồng trên sàn London giảm 0,8% xuống 9.803 USD/tấn sau 5 phiên tăng liên tiếp. Trong phiên ngày 29/4/2021, giá đồng tăng lên 10.008 USD/tấn – gần mức cao kỷ lục 10.190 USD/tấn trong tháng 2/2011. Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng tăng 27% và có tháng tăng 9%, được thúc đẩy bởi lạc quan về triển vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục cũng như nguồn cung đồng thắt chặt.

Citibank cho biết, giá đồng có thể đạt 12.000 USD/tấn trong vòng 3 đến 6 tháng tới.

Giá thiếc giao sau 3 tháng trên sàn London đạt 29.225 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 5/2011, trước khi đảo chiều giảm 0,3% xuống 28.405 USD/tấn. Giá thiếc tăng sau khi Smelting Corp Malaysia – nhà sản xuất thiếc lớn thứ 3 thế giới – cho biết hoạt động luyện kim bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Giá nhôm trên sàn London giảm 0,5% xuống 2.406 USD/tấn, sau khi đạt mức cao đỉnh điểm 3 tháng.

Giá nickel trên sàn London tăng 2,4% lên 17.665 USD/tấn – cao nhất gần 2 tháng.

Giá thép và quặng sắt đều giảm

Giá thép cây và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc có tuần tăng do tiêu thụ và nhu cầu đối với sản phẩm công nghiệp được cải thiện, mặc dù trong phiên giảm nhẹ do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá tăng mạnh.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 0,4% xuống 5.391 CNY (833,19 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá thép cây tăng 1,7%. Giá thép cuộn cán nóng giảm 1% xuống 5.688 CNY/tấn. Tính chung cả tuần giá thép cuộn cán nóng tăng 1,8%. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2021 tăng 0,1% lên 14.495 CNY/tấn.

Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên giảm 3,7% xuống 1.089 CNY/tấn.

Hoạt động nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 4/2021 tăng mạnh nhất trong 4 tháng do nhu cầu tăng mạnh, song mối lo ngại khi giá nguyên liệu thô và chi phí đầu vào tăng làm lu mờ triển vọng.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng

Giá cao su tại Nhật Bản tăng gần 2%, do sản lượng ô tô trong tháng 3/2021 tăng đã giúp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hồi phục từ đại dịch.

Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn Osaka tăng 4,5 JPY tương đương 1,5% lên 244,4 JPY/kg.

Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 0,4% xuống 13.975 CNY/tấn.

Giá cà phê diễn biến trái chiều

Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 1,55 US cent tương đương 1,1% xuống 1,4145 USD/lb. Trong ngày 29/4/2021, giá cà phê đạt 1,4765 USD/lb – cao nhất kể từ tháng 2/2017.

Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn London tăng 4 USD tương đương 0,3% lên 1.456 USD/tấn.

Giá đường diễn biến trái chiều

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 2,1% lên 17,44 US cent/lb.

Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 1,4% xuống 447,1 USD/tấn.

Giá ngô, đậu tương và lúa mì đều tăng

Giá ngô, đậu tương và lúa mì tại Mỹ đều tăng sau 3 phiên biến động lên mức cao nhất 8 năm.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 25 US cent lên 6,73-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá ngô tăng 40-3/4 US cent tương đương 6,4%. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 32 US cent lên 15,34-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 8-1/4 US cent tương đương 1,2%. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 5-3/4 US cent lên 7,34-3/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 22-1/2 US cent tương đương 3,2%.

Giá dầu cọ giảm

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm phiên thứ 2 liên tiếp với mức giảm tổng cộng 4,8%, theo xu hướng giá dầu thực vật khác giảm và lo ngại về nhu cầu từ Ấn Độ giảm do số trường hợp nhiễm Covid-19 tại nước nhập khẩu dầu thực vật hàng đầu thế giới tăng.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Bursa Malaysia giảm 1,7% xuống 3.869 ringgit (945,27 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 1/5