KINH TẾ DOANH NGHIỆP

Thiếu vắng những cải cách đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh

Admin

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước hiện nay khiến đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó lại thiếu vắng những cải cách đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo luồng sinh khí mới cho phát triển.

Tự do kinh tế bị giới hạn nhiều bởi thể chế
Tại hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Friedrich Naumann for Freedom (FNF) tổ chức sáng 6/12 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ năm 2014, cùng với sự ra đời của Nghị Quyết 19, nay là Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cài cách quan trọng, thường xuyên.
Qua 8 năm nỗ lực cải cách hưởng tới thị trường tự do và cải thiện môi trường kinh doanh, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng", thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc, xếp thứ 78 (năm 2014) lên vị trí 6 (năm 2019), chỉ số tự do kinh tế năm 2022 cũng tăng 6 bậc từ vị trí 84 từ vị trí 90.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của VEPR, trên cơ sở rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách đăng ký tài sản mà Chính phủ đề ra tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQCP cho thấy rằng hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa được thực hiện. Do vậy 8 năm qua, kết quả cải cách đăng ký tài sản ở nước ta chậm chuyển biến và cách xa mục tiêu Chính phủ đề ra. Trong 10 lĩnh vực của môi trường kinh doanh thì đăng ký tài sản là lĩnh vực chậm chuyển biến nhất cùng với hai lĩnh vực thuộc trách nhiệm của cơ quan tư pháp, đó là giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Theo nhìn nhận của Viện Fraser, từ năm 2000 đến nay, xếp hạng tự do kinh tế đối với Việt Nam luôn nằm dưới thứ hạng 100, thể hiện hiệu quả thị trường kém. Mặc dù qua các năm, điểm số và thứ hạng có cải thiện nhẹ, nhưng vẫn rất thấp. Trong đó, Việt Nam đạt 5,58 điểm và thứ hạng 105 (năm 2000); 5,9 điểm và thứ hạng 128 (năm 2010); 6,04 điểm với thứ hạng 126 (năm 2015); 6,4 điểm với thứ hạng 118 (năm 2019).
Theo xếp hạng tự do kinh tế 2022, Việt Nam ở vị trí cuối bảng (thứ 113/165 nền kinh tế) với 6,42 điểm (thang điểm 10).
Đánh giá về kết quả này, ông Fred McMahon - Chủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế Viện Fraser (Canada) cho biết, tự do kinh tế, hay còn hiểu là hiệu quả thị trường ở Việt Nam bị giới hạn nhiều bởi yếu tố thể chế. Trong đó đáng chú ý là quyền tài sản chưa được bảo đảm; tồn tại nhiều trở ngại trong thực hiện giao dịch thương mại quốc tế; cũng như những rào cản, bất cập về thể chế (quy định) đối với các hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, việc quan tâm đến chỉ số tự do kinh tế tương đối cần thiết với Việt Nam. Các chỉ số về tự do kinh tế đóng góp quan trọng vào việc hoạch định chính sách. Bởi lẽ đây là thời đại của thương mại tự do toàn cầu, các nền kinh tế thị trường đã mang lại những lợi ích to lớn cho nhân loại. Đối với Việt Nam, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc cải thiện các chỉ số tự do kinh tế.
Thiếu vắng những cải cách đột phá
PGS.TS Nguyễn Anh Thu nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, khi mà các bất ổn toàn cầu kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu thì sự phục hồi tăng trưởng và hiệu quả thị trường của Việt Nam cũng gặp thách thức nghiêm trọng. Đây là thời điểm rất quan trọng để đánh giá lại các thách thức toàn cầu và khu vực châu Á nói chung và đối với quyền tự do kinh doanh và các cải cách thể chế của Việt Nam nói riêng.
Nói rõ hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
Trên bình diện quốc tế, đó là sự suy giảm và suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, FDI đăng ký và giải ngân vào Việt Nam có thể giảm sút. Khủng hoảng năng lượng, giá năng lượng tiếp tục ở mức cao và đứt gãy nguồn cung năng lượng. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục thực hiện chính sách zero COVID. Tất cả những yếu tố này gây bất lợi không nhỏ cho DN và kinh tế Việt Nam.
Bối cảnh trong nước cho thấy các động lực tăng trưởng suy giảm, nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô, và hệ quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ ưu tiên chống lạm phát làm suy giảm tăng trưởng. Thị trường tài chính nhiễu động mạnh; niềm tin thị trường bị lung lay, thanh khoản thị trường suy giảm và ở mức thấp. Doanh nghiệp đói vốn, tiếp cận vốn khó, thậm chí là không thể dù chấp nhận chi phí vốn cao.
Đặc biệt, đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí khó khăn hơn 10 năm trước. Trong khi đó lại thiếu vắng những cải cách đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo luồng sinh khí mới cho phát triển.
Theo phản ánh của DN, quy định và thực thi pháp luật có chiều hướng giảm dần mức độ thuận lợi, tăng mức độ khó khăn, phiền hà, khó tuân thủ cho DN. Có hiện tượng hồi tố pháp luật, áp dụng quy định giai đoạn hiện nay cho 10 năm trước, gây thiệt hại cho DN và người đầu tư.
"Kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm chỉ là nhất thời vì điều này sẽ không còn tiếp tục từ quý IV/2022 và các năm tiếp theo. Do đó, không nên quá lạc quan với những thành tích nhất thời đó. Vì nếu đánh giá quá lạc quan thì chúng ta sẽ nhìn nhận thực tế không đúng. Từ đó có chính sách không phù hợp. Tôi tin rằng, chính sách của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp", TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Do đó, TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị, cần thực hiện truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả về sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để phục hồi và duy trì tăng trưởng cao và bền vững. Cần nhấn mạnh tới những khó khăn, thách thức hiện tại đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, cần truyền thông mạnh mẽ về những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các thực tiễn tốt trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh...